Lý giải bước ngoặt ở Haiti khi băng nhóm hợp lực lật đổ Thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp tình trạng các băng nhóm tội phạm có hành vi khủng bố bắt cóc dân thường, giết người bừa bãi, Thủ tướng Haiti Ariel Henry trong nhiều năm vẫn duy trì quyền lực. Nhưng chỉ trong vài ngày, mọi thứ đã thay đổi. Các băng đảng hợp lực buộc Thủ tướng phải từ chức. Điều gì dẫn đến bước ngoặt này?

Ông Judes Jonathas - một nhà tư vấn trong lĩnh vực cung cấp viện trợ ở Haiti, cho biết: “Thủ tướng Ariel Henry từ chức không phải vì chính trị, không phải vì các cuộc biểu tình chống lại ông rầm rộ trên đường phố trong những năm qua mà vì hành động của các băng nhóm bạo lực. Tình hình hiện giờ đã hoàn toàn thay đổi vì các băng đảng đang hợp tác cùng nhau”.

Cảnh sát tuần tra trên đường phố ở Port-au-Prince, Haiti vào ngày 8-3-2024

Cảnh sát tuần tra trên đường phố ở Port-au-Prince, Haiti vào ngày 8-3-2024

Cùng nhau lật đổ Thủ tướng

Người ta tin rằng có khoảng 200 băng nhóm vũ trang hoạt động ở Haiti, một nửa trong số đó hiện diện ở Port-au-Prince. Ở thủ đô có 2 liên minh băng đảng lớn. Nhóm đầu tiên là liên minh “Gia đình và đồng minh G9” (gọi tắt là G9) với người đứng đầu là Jimmy “Barbecue” Cherizier. Đây là một cựu sĩ quan cảnh sát vốn đang bị Liên hợp quốc và Mỹ trừng phạt vì liên quan đến bạo lực ở Haiti. Nhóm thứ hai là GPep, dẫn đầu bởi Gabriel Jean-Pierre (còn được gọi là Ti Gabriel).

Trước đó người này là thủ lĩnh của băng nhóm mang tên Nan Brooklyn ở quận Cite Soleil nghèo khó của Thủ đô Port-au-Prince. G9 và GPep đã là đối thủ trong nhiều năm, tranh giành quyền kiểm soát các khu vực lân cận ở Port-au-Prince. Cả hai nhóm đều bị buộc tội giết người hàng loạt và bạo lực tình dục. Nhưng Cherizier đã nói rằng, 2 nhóm đã đạt được một thỏa thuận vào cuối năm ngoái với chủ trương là “sống cùng nhau” để lật đổ Thủ tướng Henry.

Ông Mariano de Alba - cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (một tổ chức phi chính phủ) cho biết: “Chúng tôi không chắc động thái này sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng họ đã thành lập một liên minh chung vào tháng 9-2023”.

Đầu tháng 3-2024, Thủ tướng Ariel Henry đã tới Nairobi (Kenya) nhằm hoàn tất thỏa thuận để lực lượng an ninh do Kenya lãnh đạo triển khai tới Haiti. Tranh thủ sự vắng mặt của Thủ tướng, các nhóm tội phạm đã đóng cửa sân bay, cướp phá các cảng biển, tấn công khoảng chục đồn cảnh sát và phóng thích khoảng 4.600 tù nhân. Kể từ đó, Thủ tướng Henry đã không thể quay lại Haiti vì lo ngại không an toàn khi đặt chân xuống sân bay Port-au-Prince.

Đến ngày 11-3, Thủ tướng Haiti tuyên bố sẽ từ chức sau khi hội đồng chuyển tiếp được thành lập và các quan chức Kenya sẽ tạm dừng kế hoạch triển khai phái bộ cảnh sát cho đến khi chính phủ mới ở Haiti được thành lập. Giới quan sát cho rằng, ông Henry chịu áp lực từ chính các băng đảng, bọn họ yêu cầu ông từ chức, nếu không bạo lực sẽ trầm trọng hơn. Điểm mấu chốt khác là các nhà lãnh đạo Mỹ và Caribe coi tình hình của Haiti là “không thể giải quyết được”. Các quan chức Mỹ kết luận, ông Henry không còn là một đối tác khả thi và kêu gọi ông nhanh chóng tiến tới quá trình chuyển giao quyền lực.

Các thành viên băng đảng ở một tụ điểm của Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Các thành viên băng đảng ở một tụ điểm của Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Động cơ hành động tại thời điểm quan trọng

Ông William O'Neill - chuyên gia về nhân quyền của Liên hợp quốc cho biết, các thủ lĩnh băng đảng Haiti liên kết với nhau để củng cố quyền lực sau khi ông Henry ký thỏa thuận với Kenya nhằm đưa 1.000 cảnh sát đến lập lại trật tự ở Port-au-Prince. Theo ông William O'Neill, nhiều thành viên băng đảng ở Haiti là thanh thiếu niên, họ muốn kiếm được tiền hơn là đối đầu với lực lượng cảnh sát được trang bị tốt. “Họ sợ một thế lực mạnh hơn họ” - William O'Neill nói.

Dù nhiều người nghi ngờ cảnh sát Kenya sẽ mang lại sự ổn định lâu dài, nhưng sự xuất hiện của họ chắc chắn sẽ là thách thức lớn đối với quyền kiểm soát lãnh thổ của các băng đảng ở Haiti. Ông Louis-Henri Mars - Giám đốc điều hành của Lakou Lape (một tổ chức làm việc với các băng đảng Haiti) cho biết: “Các băng đảng đã nghe nói về lực lượng cảnh sát người Kenya trong nhiều năm. Cuối cùng, họ thấy ngày đó sắp đến nên tung ra đòn tấn công trước”.

Các nhà phân tích cũng cho biết thêm, kể từ khi Thủ tướng Haiti đồng ý từ chức, thủ lĩnh các băng đảng dường như chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo quyền miễn trừ khỏi bị truy tố hình sự và tránh phải ngồi tù. Trong số này phải kể đến Jimmy Chérizier - thủ lĩnh băng G-9 đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật của liên minh băng đảng mới. Chérizier là một cựu cảnh sát khét tiếng vì sự tàn nhẫn, hiện kiểm soát trung tâm thành phố Port-au-Prince và liên minh với các đảng chính trị đối lập. Tuy nhiên, trong các cuộc họp báo của mình, Chérizier đã xin lỗi về việc từng gây ra bạo lực và đổ lỗi cho hệ thống kinh tế, chính trị của Haiti đã gây ra tình trạng khốn cùng của đất nước.

Một nhân vật khác được coi là đồng minh chính trị nổi bật nhất của giới tội phạm Haiti là Guy Philippe - cựu chỉ huy cảnh sát, từng ngồi tù 6 năm trong nhà tù liên bang Mỹ vì tội rửa tiền trước khi bị trục xuất về Haiti vào cuối năm ngoái. Hiện Philippe không có ghế trong hội đồng chuyển tiếp được chỉ định lãnh đạo Haiti, nhưng đang công khai kêu gọi ân xá cho các băng đảng. Guy Philippe nói với tờ New York Times: “Những cô gái, những chàng trai trẻ đó không có cơ hội nào khác, hoặc là chết đói, hoặc cầm vũ khí. Và họ đã chọn vũ khí”.

Thủ lĩnh băng đảng Haiti Jimmy “Barbecue” Cherizier, thủ lĩnh liên minh băng đảng G9

Thủ lĩnh băng đảng Haiti Jimmy “Barbecue” Cherizier, thủ lĩnh liên minh băng đảng G9

Tham vọng của băng đảng vũ trang

Không rõ liên minh băng đảng tội phạm ở Haiti mạnh đến mức nào và liệu có tồn tại được hay không, nhưng điều rõ ràng là họ đang cố gắng lợi dụng quyền kiểm soát Thủ đô Port-au-Prince để trở thành một lực lượng chính trị hợp pháp trong các cuộc đàm phán mà trung gian là các chính phủ nước ngoài.

Trong nhiều thập kỷ, các băng nhóm ở Haiti đã liên kết chặt chẽ với các chính trị gia, đảng phái, doanh nhân hoặc tầng lớp “tinh hoa” của nước này. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, các băng đảng này bắt nguồn từ thời cựu Tổng thống Haiti Francois “Papa Doc” Duvalier và con trai ông là Jean-Claude “Baby Doc” Duvalier - hai người này cầm quyền suốt 29 năm. Nhà Duvalier đã thành lập và sử dụng một nhóm bán quân sự mang tên Tontons Macoutes để dập tắt sự chống đối.

Giáo sư Robert Fatton tại Đại học Virginia (chuyên gia về Haiti) cho biết, các băng nhóm có vũ trang đã là một phần lịch sử của Haiti trong thời gian rất dài. Nhưng hiện giờ bọn họ có vũ khí tốt hơn trước và đã đạt đến “mức độ tinh vi” mới. Ví dụ, máy bay không người lái được cho là đã được sử dụng khi các tay súng xông vào 3 nhà tù ở Port-au-Prince vào đầu tháng 3 vừa qua. “Họ có thể tích lũy được nhiều tiền hơn thông qua tống tiền, bắt cóc, buôn bán ma túy” - ông Fatton nói. Vì thế, các nhóm vũ trang từ chỗ chịu ơn các chính trị gia, đảng phái và doanh nhân thì nay đã ngày càng độc lập hơn, thậm chí còn có thể sai khiến các chính trị gia.

Ông Mariano de Alba - cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng quốc tế nhận định, các băng nhóm lớn của Haiti ngày càng đưa ra các yêu cầu liên quan đến chính trị, đặc biệt là sau vụ ám sát Tổng thống Moise năm 2021 vốn để lại khoảng trống quyền lực tại nước này. Đơn cử, cùng với bạo lực gia tăng gần đây nhất, các băng đảng cũng kêu gọi Thủ tướng Henry từ chức. Nhưng tham vọng của họ còn đi xa hơn thế. Ví dụ, người đứng đầu G9 đã cảnh báo rằng, lực lượng của ông ta phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài và muốn đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. “Những nhóm này ngày càng nghĩ rằng, cách duy nhất để duy trì sự tồn tại là liệu có nắm được quyền lực chính trị quan trọng nào hay không” - ông Mariano de Alba nói.