Lương không theo kịp mức trượt giá
Cả người nội trợ và công chức có thu nhập ổn đinh đều tỏ ra căng thẳng với gánh nặng tăng giá, bởi lẽ mức lương và thu nhập vẫn "bình chân như vại" khi giá leo thang.
Tháng 7/07 chỉ số tiêu dùng tăng cao nhất tính từ đầu năm 2007 Ảnh: Ng.Sa |
Giá cả biến động
Sở dĩ vấn đề giá đang thu hút được sự quan tâm của dư luận là vì trong tháng 6 và 7/07 vừa qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có mức tăng cao nhất tính từ đầu năm đến nay (CPI tăng 6,19%, vượt qua mức dự báo từ đầu năm là 6%, theo Tổng cục Thống kê) và việc tăng giá lại xảy ra trên các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc, dịch vụ y tế, giao thông...
Tác động tăng giá diễn ra trên thị trường cụ thể trong tháng 6 và 7/07 các hãng sữa đã đồng loạt tăng giá, hiện các sản phẩm sữa đã cao hơn mức giá từ đầu năm từ 10 - 15%. Tương tự ở mặt hàng dầu ăn, rau quả, thịt heo, đường đậu... cũng đều tăng giá so với các tháng trước như dầu ăn tăng 2.000 - 3.000 đồng/lít, rau quả tăng 500 - 2.000đ/kg, thịt heo tăng khoảng 4.000đ/kg...
Có thể thấy thực phẩm là nhóm hàng chịu nhiều tác động về giá nhất, theo các nhà cung cấp, ngoài việc tăng giá do nguyên liệu đầu vào tăng lương thực, thực phẩm còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thiên tai, dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay trên cả nước liên tục xảy ra các cơn dịch bệnh hoành hành trên đàn gia súc gia cầm như tái phát dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, heo tai xanh...
Báo cáo khảo sát tình hình thị trường của Sở Tài chính TP.HCM cũng cho thấy trong tháng 7 vừa qua lượng rau củ quả và thực phẩm tươi sống về các chợ đầu mối có chiều hướng giảm số lượng. Trong khi nguồn cung giảm mà nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra trên toàn thị trường, không phải tất cả các mặt hàng đều tăng giá, cũng có những mặt hàng ngày càng rẻ hơn như nhóm hàng may mặc, đồ uống... Khảo sát tại các siêu thị cho thấy, giá các loại nước ngọt như Mirinda, Pepsi khoảng 98.000đ/thùng, giảm từ 5.000 - 10.000đ/thùng so với thời điểm cuối năm 2006. Hiện thị trường nước giải khát có rất nhiều dòng sản phẩm như nước ép trái cây, trà xanh, nước có ga... và nguồn gốc sản phẩm cũng đa dạng (hàng nội có, hàng ngoại nhập có). Có lẽ chính sự dồi dào của thị trường này đã khiến nhà sản xuất không dám tăng giá, sợ mất thị phần.
Giảm mạnh nhất có thể kể đến mặt hàng điện tử như tivi LCD, Plasma và CRT (dòng phổ thông), so với thời điểm đầu năm LCD, Plasma giảm đến gần 50%, từ 1,5 - 2 triệu đồng/1 inch nay còn chưa đến 1 triệu đồng/ 1 inch, tivi CRT 21 inches giá khoảng 3 triệu đồng nay chỉ còn từ 1,5 - 2 triệu đồng/sản phẩm...
Ngoài ra, trong ngành may mặc cũng có nhiều sản phẩm giảm giá mạnh như quần áo thời trang chẳng hạn. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng thời trang với các nguồn hàng phong phú như sản phẩm dệt may của Trung Quốc, hàng VN gia công xuất khẩu hoặc hàng từ các công ty may mặc trong nước... đã khiến cho thị trường thường xuyên xuất hiện các đợt giảm giá (sales off), khuyến mãi lớn với mức giá cạnh tranh.
Lương giậm chân tại chỗ
Trong khi giá cả hàng hoá trên thị trường có nhiều biến động tăng/giảm như vậy thì mức lương hoặc thu nhập của đại đa số người tiêu dùng không có gì thay đổi. Trên cả nước hiện có trên 11 triệu lao động làm công ăn lương (nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trong đó, có khoảng nửa triệu người làm việc trong doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy có đến hơn 10 triệu người thuộc đối tượng được điều chỉnh lương từ Nhà nước song kể từ đợt điều chỉnh do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố trong ngày 1/10/06 (áp dụng từ 1/1/07) đến nay vẫn chưa có đợt điều chỉnh lương nào nữa.
Thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho hay, trong lộ trình cải cách tiền lương (2003 - 2007), dự kiến đến 1/10/07 mới tiếp tục có đợt tăng lương tối thiểu để tiến tới 2010, tất cả các loại hình DN cùng áp dụng một mức lương tối thiểu. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 10 triệu người thuộc đối tượng được điều chỉnh lương từ Nhà nước phải đợi đến cuối năm 2007 để được tăng lương.
Kết quả cuộc khảo sát về tiền lương năm 2007 của công ty tư vấn nhân sự Navigos Group cũng đã cho biết mức lương bình quân ở các DN trong nước (kể cả DN tư nhân và nhà nước) đều thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy vậy, ở khối DN nước ngoài việc điều chỉnh tăng lương cũng không phải là việc có thể diễn ra dễ dàng.
Theo một người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong các công ty nước ngoài, mỗi công ty đều có kế hoạch điều chỉnh lương riêng nên không có chuyện chính sách lương của họ bị tác động bởi chỉ số tiêu dùng hay vì vật giá leo thang...
Lương bổng không tăng nhưng việc tăng giá lại diễn ra trên nhiều mặt hàng thiết yếu dẫn đến việc mất giá đồng tiền (trượt giá) là điều khó tránh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo những biện pháp cấp bách chống tăng giá, người dân đang trông đợi nhiều vào những biện pháp quản lý vĩ mô sẽ được thực thi để kiểm soát được thị trường những tháng cuối năm.
Theo Vietnamnet