Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (1)?

ANTĐ - Kể từ sau thế chiến thứ 2 đến nay, Syria luôn là một lực lượng mạnh mẽ trên "trận tuyến" chống Israel, quân đội Syria cũng tham dự đầy đủ các cuộc chiến tranh Trung Đông. Tuy họ cũng bị nhiều tổn thất nhưng cũng học hỏi được không ít kinh nghiệm xương máu trong các cuộc chiến tranh giữa thế giới Ả rập và Israel.

Đối mặt với ưu thế không quân hùng mạnh của Israel, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, người Syria đã từng bước xây dựng một thế trận phòng không cực mạnh. Cho đến trước nội chiến, lực lượng phòng không của Syria tuy không thể coi là tiên tiến nhưng thực sự không thể xem thường. Nếu được tổ chức khoa học và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác như không quân, tên lửa bảo vệ bờ biển…, nó đủ sức làm nản lòng máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của Mỹ.

Từ khi nội loạn bùng phát cho đến nay, đối tượng tác chiến chủ yếu của quân chính phủ là lực lượng phản loạn không có không quân nên lực lượng phòng không chiến lược của Syria vẫn án binh bất động, vì vậy rất khó để biết được thực lực của nó, nhưng khi Mỹ và đồng minh phát động tiến công, lập tức các hệ thống này mới hiển thị uy lực.

Hiện quân đội Syria đã sở hữu các bệ phóng và tên lửa S-300 PMU2 của Nga nhưng không có khả năng tác chiến vì thiếu các hệ thống radar, điều khiển hệ thống, điều khiển hỏa lực… Ngoài ra, trước đây cũng có thông tin cho rằng, Syria đã có các hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc hoặc S-200 cải tiến của Iran nhưng thông tin này không được xác thực và cũng chưa ai thấy chúng xuất hiện.

Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (1)? ảnh 1

Tên lửa của hệ thống phòng không S-75 Dvina

Hiện nay, hệ thống phòng không chiến lược được sử dụng rộng rãi trong quân đội Syria là hệ thống tên lửa số 1 thế giới về kinh nghiệm thực chiến do Nga chế tạo là S-75 Dvina, được NATO gọi là SA-2 Guideline. Loại tên lửa có tầm bắn 45km và độ cao tác chiến 25km này, ở Việt Nam có thường được gọi là SAM-2. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã viện trợ một số lượng lớn tên lửa S-75 Dvina cho Việt Nam để bắn rơi hàng nghìn máy bay chiến đấu Mỹ, trong đó có gần 100 chiếc B-52.

Loại tên lửa này Liên Xô cũng đã từng viện trợ cho Trung Quốc và Cu Ba, tuy không được tham chiến với máy bay chiến đấu, nhưng chúng cũng đã từng được sử dụng để bắn rơi các máy bay do thám tầm siêu cao U-2 của Mỹ. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, SA-2 đã trở nên lỗi thời, các phi công lão luyện của phương Tây tỏ ra rất coi thường loại tên lửa phòng không có tính cơ động không cao này.

Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (1)? ảnh 2

Phạm vi bao phủ của hệ thống phòng không S-75 Dvina dọc tuyến bờ biển Syria

Trong một số bức ảnh chiến trường do các phóng viên phương Tây đi trong đội hình phe đối lập tthể hiện, tại một số căn cứ của quân chính phủ có những mảnh vỡ của tên lửa có thể tích rất lớn. Đó chính là loại tên lửa phòng không chiến lược tốt nhất, uy lực nhất trong quân đội Syria hiện nay do Liên Xô viện trợ là S-200 Angara. Nó sẽ là chủ lực trong cuộc chiến chống máy bay chiến đấu của Mỹ và phương Tây.

Hệ thống phòng không S-200 Angara được NATO định danh là SA-5 Gammon, được trang bị trong quân đội Liên Xô cuối thập niên 60, trọng lượng đạn khoảng 3 tấn, là loại tên lửa phòng không trong tầng khí quyển có thể tích lớn nhất. Đến cuối thập niên 80, S-200 đã ngừng sử dụng trong quân đội Liên Xô nhưng nó còn được sử dụng ở rất nhiều nước. Loại tên lửa mà Syria được Nga xuất khẩu là S-200VE, có tầm bắn 250km, độ cao tác chiến tối đa 29km.

Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (1)? ảnh 3

Tên lửa của hệ thống phòng không S-200 Angara


Hiện nay quân đội Syria chỉ có khoảng 40 hệ thống S-200, là nòng cốt trong lực lượng phòng không chiến lược nước này, nên nó chủ yếu được triển khai ở xung quanh Damascus và những trọng điểm bảo vệ bờ biển. Tuy S-200 đã lạc hậu nhưng trong “Cuộc chiến 5 ngày” giữa Nga và Gruzia năm 2008, chính nó đã giúp phòng không Gruzia lập được chiến công bắn hạ 1 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M của không quân Nga.

Hiện nay, theo thông tin không chính thức, có thể là Syria đang sở hữu một số loại vũ khí phòng không chiến lược tối tân hơn như HQ-9 của Trung Quốc, S-300 của Nga hay hệ thống S-200 cải tiến của Iran. Tuy vậy, tất cả những thông tin trên đều không phải là nguồn chính thức và cũng chưa ai thấy bóng dáng của chúng trên đất Syria. Mà nếu có, với chỉ một vài hệ thống, chúng cũng chỉ đủ sức gây nên bất ngờ chứ hoàn toàn không có khả năng xoay chuyển cục diện chiến trường.

Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (1)? ảnh 4

Phạm vi bao phủ của hệ thống phòng không S-200 Angara dọc tuyến bờ biển Syria

Theo trang mạng Aus Airpower, các hệ thống phòng không chiến lược của Syria được triển khai làm nòng cốt trong tổng thể lực lượng phòng không toàn quốc ở Syria, trong đó Damacus được bảo vệ bởi 10 trận địa tên lửa phòng không S-75 và 2 trong 5 trận địa phòng không S-200 cũng được triển khai ở đây. Khu vực tây nam giáp giới với cao nguyên Golan cũng được triển khai 7 trận địa S-75;

Khu vực Biển Địa Trung Hải kéo dài từ Al Lathqiyah đến Tartus có 5 trận địa S-75 và hai hệ thống phòng không tầm xa S-200. Khu vực Homs - Halab nằm ngay sau hàng rào phòng không ven biển, Syria bố trí một bức tường phòng không chiến lược nữa chạy dọc từ Homs ở phía Nam lên Halab ở phía Bắc với 7 trận địa S-75 và một tổ hợp S-200 nằm ở vùng cực nam của Homs, còn vùng Tiyas được phòng thủ bởi 4 trận địa S-75.

(Còn nữa)