Lựa chọn Kilo 636 thay vì Amur 1650: Quyết định sáng suốt của Việt Nam

ANTD.VN - Hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã xây dựng hoàn chỉnh hạm đội 6 tàu ngầm Kilo 636, và có thể sẽ tiến tới đặt mua một thế hệ tàu ngầm mới được trang bị hệ thống đẩy độc lập không khí (AIP).

Cần nói thêm rằng trước đó vào thời điểm ký hợp đồng năm 2009, có một số thông tin cho rằng Việt Nam sẽ đặt đóng 4 tàu ngầm Kilo 636 đi kèm 2 tàu ngầm Lada - Dự án 677. Lý do là bởi lớp Lada được đánh giá cao hơn ở độ tĩnh lặng cũng như có hệ thống AIP tân tiến.

Tuy nhiên kết quả cuối cùng đã rõ, chúng ta đặt trọn niềm tin vào lớp Kilo 636 và bỏ qua thế hệ Lada 677 với phiên bản xuất khẩu Amur 1650 đời mới hơn.

Bộ đôi tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam

Bộ đôi tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam

Vậy tại sao Việt Nam với chủ trương đưa hải quân tiến thẳng lên hiện đại lại lựa chọn Kilo 636 mà không đặt mua Lada 677, mặc dù đây là một thế hệ tàu ngầm tối tân hơn? Để hiểu được điều này có lẽ phải nhìn lại từ dự án tàu hộ vệ tên lửa BPS-500.

Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ BPS-500 do Viện thiết kế phương Bắc của Nga thiết kế cho Hải quân Việt Nam dựa trên tàu tuần tra ven bờ PPS-500 dành cho Lực lượng biên phòng Nga với một số sửa đổi ở cấu hình vũ khí.

BPS-500 chứa trong nó nhiều tư duy tiên tiến như thiết kế góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ radar, sử dụng hệ thống đẩy phản lực nước cho khả năng hoạt động linh hoạt tại vùng nước nông…

Tuy nhiên tất cả những tính năng ưu việt được quảng cáo trên chỉ là lý thuyết, chưa hề được kiểm nghiệm thực tế. Việt Nam sau khi đóng xong chiếc 381 thì nhận thấy rằng BPS-500 còn quá nhiều khiếm khuyết nên đã đình chỉ dự án và quay sang Molniya 1241.8.

Tàu tên lửa cỡ nhỏ BPS-500 của Hải quân Việt Nam

Tàu tên lửa cỡ nhỏ BPS-500 của Hải quân Việt Nam

Dự án BPS-500 không thành công còn thay đổi cả nguyên tắc mua sắm vũ khí - khí tài của Việt Nam, khi chúng ta quyết định sẽ chỉ mua những thứ đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

Do vậy thật dễ hiểu vì sao vào thời điểm năm 2009 Việt Nam lại chọn tàu ngầm Dự án 636 Kilo thế hệ cũ mà không phải là Dự án 677 Lada mới nhất của Nga. Và sau 9 năm trôi qua, quyết định của Việt Nam đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Theo những gì được Nga công bố, tàu ngầm lớp Lada được lắp đặt hệ thống điều khiển vũ khí và hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến hơn, trang bị động cơ kiểu mới rất yên tĩnh, có độ ồn nhỏ hơn Kilo nhiều lần nhằm nâng cao khả năng tàng hình.

Đặc biệt, Lada là thế hệ tàu ngầm thông thường đầu tiên của Nga được trang bị hệ thống động lực không cần không khí (AIP), cho thời gian hoạt động ngầm dưới biển lâu hơn hẳn Kilo.

Tàu ngầm diesel-điện St Petersburg lớp Lada

Tàu ngầm diesel-điện St Petersburg lớp Lada

Nhưng sau khi chiếc Lada đầu tiên mang tên St Petersburg hoàn thành, quá trình thử nghiệm đã phát hiện vô số lỗi như trục trặc về hệ thống sonar và động cơ chạy điện.

Đáng ngại nhất là hệ thống AIP của tàu vẫn chưa đảm bảo an toàn, rất dễ xảy ra cháy nổ trong quá trình vận hành (liên quan đến việc lưu trữ khí Hidro và Oxy), điều này thực sự là thảm họa tiềm ẩn.

Thậm chí cho đến thời điểm hiện tại, Lada vẫn không đáp ứng được các yêu cầu của Hải quân Nga, khiến các nhà máy phải tiếp tục đóng tàu ngầm Kilo 636.3 để cung cấp cho các hạm đội.

Gần đây còn có một số thông tin cho rằng Nga đã quyết định hủy bỏ dự án Lada do có quá nhiều lỗi không thể khắc phục để tập trung phát triển thế hệ tàu ngầm mới hơn mang tên Kalina. Đây cũng chính là lời “khai tử” dành cho phiên bản xuất khẩu Amur 1650.

Điều đó cho thấy, thời điểm năm 2009 Việt Nam đã sáng suốt khi lựa chọn Kilo 636, thay vì Lada/Amur 1650. Nếu khi ấy lựa chọn Lada/Amur 1650, thì chúng ta đã nhận phải một “quả đắng” tiếp theo sau bài học của chương trình BPS-500.