Lòng vị tha hiếm hoi

ANTĐ - Người phụ nữ mù mặt mày biến dạng vì bị tạt axit giờ phải đối diện với người đàn ông từng si mê mình nhưng làm liều vì không được đáp lại. Theo lệnh của tòa án Iran, Ameneh Bahrami được phép báo thù, người đàn ông ấy sẽ bị nhỏ axít vào mắt. Nhưng đến phút chót, Bahrami quyết định tha thứ.

Tội ác tày trời

Bahrami đòi công lý để làm hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ dùng axít

hủy hoại cuộc đời người khác

Chuyện bắt đầu ở Iran năm 2004 khi Majid Movahedi tạt axít vào mặt Ameneh Bahrami vì bị cô từ chối lời cầu hôn. Bahrami, năm nay 34 tuổi kể lại rằng, năm 2002, chàng trai 19 tuổi là bạn cùng trường còn cô là sinh viên ngành điện tử. Mặc dù Majid Movahedi quyết liệt theo đuổi nhưng Bahrami không hề có tình cảm với Mohavedi. Gia đình anh ta còn ngỏ lời dạm hỏi Bahrami cho con trai mình, có lúc Mohavedi còn dọa sẽ giết nếu không cưới được cô.     

Thảm kịch xảy ra tháng 11-2004, chỉ 3 ngày Bahrami chủ động gặp mặt Movahedi để khước từ lời cầu hôn. Tại khu công viên đông đúc người qua lại ở Tehran, Majid Movahedi đã dùng cả một bình axít hắt vào đầu Bahrami, chảy từ mặt xuống cả thân thể cô gái. Một vài người đi đường vội đưa Bahrami đến bệnh viện gần nhất. Hai tuần sau, Movahedi ra tự thú.

 Bahrami được điều trị tại khoa bỏng và bắt đầu hành trình phẫu thuật kéo dài suốt 6 tháng, trải qua tất cả 17 cuộc phẫu thuật, trong đó một ca cố gắng phục hồi gương mặt nhưng không thành công. Tháng 6-2008, con mắt phải  của Bahrami được phục hồi 40% thị lực nhưng dần dần cả hai mắt đều không thể nhìn thấy. Sau đó cô bắt đầu đấu tranh đòi tòa án thi hành Luật Qisas (báo thù) của Hồi giáo. “Mắt đền mắt”, theo đó, Movahedi sẽ bị nhỏ 5 giọt axít sulfuric vào mỗi mắt của anh ta. “Majid Mohavedi sẽ từ từ nếm trải cảm giác mù loà để không gây thảm họa cho ai khác nữa”, cô tự nhủ.

Tranh cãi pháp lý

Theo Luật Shariah của Hồi giáo, nạn nhân có quyền đòi hỏi thi hành hình phạt khắc nghiệt theo ý nguyện của họ hoặc gia đình. Nếu hai bên không thoả thuận được, Luật “Qisas” - báo thù sẽ được thi hành. Điều này được pháp luật Iran công nhận. Tuy vậy, chính điều luật này đã làm bùng lên cuộc tranh cãi liệu những cách thức phân xử thời trung cổ có nên còn giữ đến ngày nay. Nhưng cuối cùng, vào năm 2008, toà án đã đưa ra phán quyết cho phép Ameneh được chính tay nhỏ axit vào mắt của Majid.

Tòa án Iran đồng ý áp dụng luật trừng phạt này, coi đó là biện pháp răn đe hiệu quả nhất để những kẻ có dã tâm muốn phá nát cuộc đời người khác phải chùn tay. Thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ bị tấn công bằng axít ở các nước Hồi giáo, các nạn nhân thường từ chối kết hôn và sau đó họ bị tấn công. Ngay sau phán quyết đồng ý của tòa án,  Tổ chức Ân xá quốc tế phản đối rằng “hình phạt này quá độc ác và vô nhân tính”. Hassiba Hadji Sahraouni, Phó giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá quốc tế, nói: “Thật không thể tin nổi chính quyền Iran có thể coi bản án này là hình phạt. Cho dù tội ác gây ra cho Ameneh có kinh khủng đến mức nào đi nữa thì việc làm mù hai mắt (người bị kết án) bằng axít là hình phạt độc ác. Bạo lực xã hội sẽ không được khắc phục bằng bạo lực”. Do đó, các nhà chức trách Iran sau nhiều năm trì hoãn do ngần ngại thực hiện bản án đã ấn định vào  14-5-2011, cuối cùng ngày 31-7 được cho là ngày “chốt”.


Kịch tính đến phút chót

Những vết sẹo do bỏng nặng không thể giấu được trên khuôn mặt Ameneh Bahrami dù cô đã đội khăn trùm đầu. Bahrami bước vào bệnh viện - cũng là nơi thi hành án với hai người khác đỡ hai bên. “Giờ cô muốn gì?”, vị bác sỹ trong khi lăm lăm chai axít chuẩn bị nhỏ vào mắt Majid Mohavedi. Không khí quanh phòng mổ trong bệnh viện ngày 31-7-2011 hết sức ngột ngạt. “Tôi tha thứ, tha thứ cho anh ta”, cô đáp. Cảnh tượng kịch tính đến phút chót ấy đã được phát trên đài truyền hình Iran, phần nào khép lại câu chuyện mà dư luận không chỉ trong nước mà cả thế giới dõi theo.

“Suốt 7 năm qua, tôi đã đấu tranh để chứng minh rằng kẻ tạt axít người khác có thể bị phạt bằng “Qisas” nhưng giờ đây tôi tha thứ cho hắn. Tôi làm thế vì đất nước mình khi mà mọi quốc gia khác đều đang theo dõi những gì chúng tôi làm. Thật ra, tôi chưa bao giờ muốn trả thù hắn. Tôi chỉ muốn bản án được ban hành để đòi lại công lý cho bản thân nhưng không bao giờ muốn án phạt đó được thực thi. Tôi không có ý định tước đi đôi mắt của hắn” - Bahrami phát biểu trên đài truyền hình Iran.

 Majid Movahedi, người đàn ông tội lỗi sụt sùi nói Bahrami đã “rất độ lượng”. “Tôi không thể tưởng tượng cô ấy lại bị mù vì axít”, Movahedi cho biết, đồng thời quay mặt vào tường gạt nước mắt. Đổi lại, Bahrami có thể đòi bồi thường cho những vết thương khoản tiền 200.000 USD, nếu không đối tượng có thể bị phạt tù từ 10-12 năm.

Ngay sau quyết định của Bahrami, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã trò chuyện riêng với Ameneh Bahrami. “Lòng vị tha đó là niềm vinh hạnh cho chúng ta và cho đất nước Iran. Sự việc này cũng rút ra được nhiều bài học và để thay đổi. Những điều tốt đẹp còn lại trên thế giới này là kết tinh của lòng vị tha và bao dung”, ông Ahmadinejad nói.