Lợn phát sáng vì được ghép ADN của... sứa!

ANTĐ - Các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện thành công thí nghiệm cấy ghép AND của loài sứa vào 10 chú lợn, khiến chúng có khả năng phát sáng trong bóng tối.

Các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp miền Nam Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông đã thành công với thí nghiệm tạo ra những chú lợn có khả năng phát ra ánh sáng huỳnh quang. Những chú lợn này được cấy ghép AND từ một loài sứa, ngay từ khi còn là phôi thai. Các chuyên gia cho rằng những chú lợn trong thí nghiệm sẽ có tuổi thọ như những con lợn bình thường khác. Công trình thí nghiệm này có thể giúp tùm ra các cách điều trị, chữa bệnh hiệu quả và tiết kiệm hơn phục vụ con người.

Công nghệ cấy ghép này được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Hawaii, trực thuộc trường Y Dược John A. Burns, Manoa, Hoa Kỳ. Tiến sĩ Zhenfang Wu và Zicong Li tại đại học Nông nghiệp miền Nam Trung Quốc sẽ công bố những thông tin chi tiết về cuộc thí nghiệm tạo ra mười chú lợn có khả năng phát sáng này trên một tạp chí khoa học.

Khi đèn tắt, hai chú lợn phát ra ánh sáng huỳnh quang màu xanh, dễ nhìn nhất ở mõm và móng.

Trước đó, hồi đầu năm nay, các nhà khoa học tại Hawaii (Hoa Kỳ) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấy ghép gene thành công cho tám con thỏ, khiến chúng có khả năng phát sáng trong bóng tối tương tự như thí nghiệm tại Trung Quốc. Trong điều kiện ánh sáng bình thường, những động vật này không phát ra ánh huỳnh quang.

ADN có tác dụng phát sáng được cấy vào phôi thai của tám con thỏ trong thí nghiệm tại ĐH Hawaii


Tiến sĩ Stefan Moisyadi tại Viện nghiên cứu Sinh vật, Đại học Hawaii giải thích rằng, công nghệ này cho thấy con người có thể lấy cấy ghép những loại gene mới lên động vật. Tiến sĩ Moisyadi cũng cho biết protein huỳnh quang không ảnh hưởng đến tuổi đời của loài lợn. Từ kết quả của cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học có thể tiếp tục tìm ra cách chữa trị cho những người bị bệnh rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia). Những enzim đông máu lấy từ các loài động vật để cấy ghép vào cơ thể người sẽ có giá thành rẻ hơn nhiều so với việc chi ra hàng triệu đô-la Mỹ xây dựng các phòng thí nghiệm.