Lời giải thu hút lao động và chuyển đổi số để doanh nghiệp phục hồi trong bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây tại Số thứ 5 của chuỗi talk show “Trỗi dậy sau khủng hoảng”, hai khách mời là TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam và bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã có những chia sẻ thú vị xung quanh 2 khía cạnh của cơ hội phục hồi đối với doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Yếu tố nào để thu hút lao động trở lại?

Đánh giá về tốc độ phục hồi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam khẳng định: “Chúng ta phải cảm ơn, cũng như khâm phục bản lĩnh, cũng như độ kiên trì của các doanh nghiệp Việt Nam. Tinh thần của doanh nghiệp Việt luôn luôn âm ỉ cháy, bền bỉ, chống chọi trước khó khăn”

Sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 138 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, đã mang lại không gian về mặt sản xuất, lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp, và doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi trở lại. “Đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng mạnh, số vốn đầu tư tăng mạnh. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong tháng 11 và tháng 12, hỗ trợ được phần nào cho sự phục hồi kinh tế của cả năm 2021” - ông Bình nói.

Cho đến nay, khoảng 70-80% lao động ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất như khu vực Đông Nam bộ đã quay trở lại nhà máy để sản xuất kinh doanh. Nhưng vấn đề thu hút lao động trở lại đang là bài toán nhiều doanh nghiệp phải giải quyết khi có sự xô lệch, dịch chuyển, di cư lao động vì dịch bệnh. Nói về yếu tố thu hút lao động quay lại nhịp độ sản xuất, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định, hiện nay môi trường lao động là đặc biệt quan trọng. Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: “Từ nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao đến từng nhân viên đều hiểu, doanh nghiệp trong “bão” đại dịch vẫn duy trì được sản xuất thì mới nghĩ đến việc tạo đà quay trở lại bình thường mới. Nếu không thể phục hồi 100%, sẽ cố gắng đạt 70 - 80 hoặc 90% so với trước đây. Nhưng nếu một khi đã sụp đổ hoặc ngưng sản xuất trong đại dịch thì mọi thứ quay trở lại sẽ rất khó khăn, hậu quả không lường được. Do đó, ai cũng hiểu trách nhiệm của mình, góp phần duy trì tổ chức doanh nghiệp cũng là trách nhiệm với xã hội, đồng thời có ý nghĩa nuôi sống chính bản thân và gia đình” - bà Trần Uyên Phương nói.

Để thu hút lao động trở lại, bà Trần Uyên Phương nêu rõ: “Thứ nhất là an toàn cho người lao động trước dịch bệnh. Thứ hai là sự chăm sóc, sự quan tâm, sự cam kết của công ty, của doanh nghiệp, của cán bộ lãnh đạo, từ cấp cao, cấp trung, cho đến cấp quản lý trực tiếp để thể hiện rõ sự đồng lòng và sẵn sàng chia sẻ với người lao động trong những thời khắc khó khăn nhất. Người lao động cần được hỗ trợ, tạo môi trường làm việc an toàn cho họ - ở đây là an toàn lao động và an toàn trước dịch bệnh, để họ có cảm giác an toàn như được che chở trong một gia đình”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng ngoài yếu tố về mặt tiền lương, thì còn vấn đề bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, những dịch vụ hỗ trợ cho người lao động. Bên cạnh đó, điều rất quan trọng là những yếu tố tạo ra nền tảng, văn hóa doanh nghiệp riêng biệt. Khi làm việc tại một doanh nghiệp, không nên chỉ dựa vào một cái yếu tố duy nhất đó là tiền lương để thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Tân Hiệp Phát giải quyết bài toán này bằng cách đưa sự cải tiến bản thân, sự học hỏi, nuôi dưỡng ý chí “không gì là không thể” thành văn hoá trong công ty.

Bà Trần Uyên Phương dẫn chứng và phân tích thêm: “Trong thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp nâng lương lên gấp 3, gấp 5 lần để tuyển người. Bởi vì họ cần nhân sự để làm việc trong ngắn hạn, hoặc để bù lại trong thời gian trước mà họ đã không duy trì được. Tuy nhiên, việc duy trì đó không chỉ gắn với yêu cầu phát triển chốc lát mà còn phải là phát triển bền vững. Một cá nhân thì không thể tạo nên được cả một tổ chức. Còn có các cộng sự, đồng nghiệp, còn có các quy trình văn hóa, chính sách và đó là cả một chuỗi của việc phát triển của một tổ chức qua nhiều năm. Cho nên để người lao động quay lại, không chỉ là lương, mà còn là yếu tố để phát triển về sự nghiệp, tạo ra những nền tảng cho người lao động phát triển. Và tất cả những kiến thức, những năng lực cũng phải qua cả một quá trình, có cả cơ hội, có cơ chế để được thể hiện, được học hỏi, sai và sửa thì họ mới có thể phát triển”.

Tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát, người lao động có môi trường làm việc an toàn như được che chở trong một gia đình

Tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát, người lao động có môi trường làm việc an toàn như được che chở trong một gia đình

Chuyển đổi số phải là cú hích…

Một trong cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2021 để thích ứng và phục hồi là “chuyển đổi số trong doanh nghiệp”. TS. Lê Duy Bình cho biết, trong năm 2020 và trong năm 2021, chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ, ví dụ như trong khu vực tư nhân có lẽ là bước tiến gần bằng một thập kỷ. “Nếu không thay đổi theo cách thức mới này thì không những là chúng ta sẽ bị lỡ những cơ hội phát triển, lỡ cơ hội để nền kinh tế phục hồi một cách mạnh mẽ hơn để chính chúng ta có sức chống chọi tốt hơn” - ông Bình khẳng định.

Doanh nhân Trần Uyên Phương cho biết: “Chúng tôi sử dụng công nghệ không chỉ là trong hoạt động sản xuất mà còn trong lĩnh vực quản trị kiểm soát như việc nhỏ nhất là triển khai chương trình “workchat” cho môi trường làm việc. Với rất nhiều cái thay đổi làm cho con người của Tân Hiệp Phát thích ứng nhanh hơn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu, những thay đổi thói quen cá nhân của mỗi người là rất khó. Ví dụ như, một người bình thường Chủ nhật thức dậy 8h mà giờ nay phải dậy từ 5h thì không đơn giản. Rất nhiều yếu tố tác động làm cho con người mong muốn không thay đổi. Nhưng vì triển khai rất nhiều chương trình, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, việc chuyển đổi và thay đổi để tăng trưởng là cần thiết và bắt buộc phải xảy ra”. Cho nên ngay trong bộn bề khó khăn vì Covid-19, Tập đoàn Tân Hiệp Phát quyết định các kế hoạch rút ngắn lại, quá trình chuyển đổi số phải diễn ra nhanh hơn để tạo cú hích cần thiết cho doanh nghiệp. Nhiều phần việc liên quan đến công nghệ thông tin lúc trước chưa quyết định, thì nay được lãnh đạo đồng ý triển khai khẩn trương hơn. “Giai đoạn Covid-19 chứa đựng rất nhiều thứ tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta biết khai thác được lý do của nó, thì bối cảnh tiêu cực cũng có thể chuyển biến trở thành những yếu tố tích cực” - bà Trần Uyên Phương nhìn nhận.

Khi nhìn lại năm 2021, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp có nhiều điều để chia sẻ. 125 ngày duy trì hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” an toàn trong các nhà máy của Tân Hiệp Phát cho thấy quyết tâm to lớn của lãnh đạo doanh nghiệp, cho thấy sự chung sức đồng lòng của người lao động cùng với nét văn hóa “coi công ty là gia đình thứ hai của mình” đã thực sự mang lại quả ngọt.