Lãi suất tiết kiệm nhích tăng, gửi ngân hàng đang trở nên hấp dẫn hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với xu hướng đi lên của lãi suất huy động có thể khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lạm phát tăng, thị trường chứng khoán ngày càng khó kiếm lời, giá vàng biến động lớn.

Lãi suất vẫn tiếp tục nhích tăng

Theo khảo sát của phóng viên, trong nửa đầu tháng 3, ngoại trừ các ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) thì các ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất đã hấp dẫn hơn khá nhiều so với năm ngoái.

Trong đó, ngoài các kỳ hạn dưới 6 tháng đang áp dụng mức trần theo quy định là 4%/năm thì lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng đã lên đến 7,4%/năm. Đặc biệt, các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động tiền gửi online cao hơn so với tiền gửi tại quầy, càng khiến việc gửi tiết kiệm trở nên dễ dàng, hấp dẫn hơn.

Chẳng hạn, với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng Bắc Á (BacABank) đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi là 6%; CBBank là 6,25%; GPBank lên đến 6,5%.

Với các kỳ hạn dài hơn (12 - 36 tháng, thì ngân hàng đứng đầu trong danh sách có lãi suất tiền gửi cao nhất là SCB với 7%; thứ hai là Bắc Á, với 6,8%. Ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi online cao nhất là Nam Á Bank với 7,4%; tiếp theo là SCB (7,35%)…

Như vậy, có thể thấy thời điểm này, nếu gửi tiền kỳ hạn dài cũng là một lựa chọn tốt, đảm bảo an toàn và có một phần lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng cao. Đặc biệt khi các kênh đầu tư vốn sinh lời rất tốt trong năm 2021, bước sang năm nay đã trở nên rất khó kiếm tiền. Giá vàng thời gian qua biến động tăng cao cũng khiến việc mua vàng trở nên rủi ro hơn rất nhiều.

Gửi tiền ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi lãi suất tiếp tục nhích tăng

Gửi tiền ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi lãi suất tiếp tục nhích tăng

Tiết kiệm ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2 đạt 2,5% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,8% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23.000 tỷ đồng. Theo SSI Research, tín dụng tăng chậm lại trong tháng 2 do hai nguyên nhân chính: yếu tố mùa vụ và tác động của Nghị định 16 đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về huy động vốn, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 25/2 tăng trưởng đạt 1,3% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11% so với cùng kỳ). Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, SSI Research kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn.

Trong tuần trước, SSI Research quan sát thấy lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MBB và TCB), với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát.

Cũng cho rằng gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và có hiệu quả nhất định, trong một sự kiện mới đây, ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô, Công ty cổ phần chứng khoán HSC khi được hỏi sẽ làm gì với 1 tỷ đồng tiền mặt đã trả lời: “Nếu có 1 tỷ đồng và chưa nghĩ được gì cả mình sẽ vẫn gửi tiết kiệm ở ngân hàng”.

Tuy nhiên cũng theo ông, mặc dù chọn gửi tiết kiệm nhưng nếu người dân gửi tiết kiệm quá nhiều sẽ có thể ảnh hưởng đến sức mua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. “Năm ngoái, tỷ lệ tiết kiệm trên tiền người dân kiếm được tăng đột biến, đâu đó trên 30%. Điều này không tốt cho nền kinh tế. Khi chúng ta muốn tăng trưởng cao ở mức 6-6,5%, nếu không có một sức mua tương ứng như vậy chúng ta sẽ không thể đạt được điều đó” – ông nói.

Còn về lựa chọn tỷ lệ phân bổ danh mục, ông bật mí sẽ phân bổ 1 nửa cho tiết kiệm ngân hàng, 1 nửa cho chứng khoán. Tỷ trọng phân bổ 50-50, theo ông là thuộc phân khúc đầu tư an toàn và đang là xu hướng trên thế giới ở thời điểm hiện tại.