Lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu PVX không mua nổi cốc trà đá

ANTD.VN - Từng đình đám một thời, nhưng kết quả làm ăn bết bát khiến cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (mã chứng khoán PVX) đến nay có mức giá chưa mua nổi một cốc trà đá. Với việc Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng như khởi tố, bắt tạm giam, truy nã một số người nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty này, giá cổ phiếu PVX được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Từ “đỉnh cao” xuống “vực sâu”

Ngày 15-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165, Bộ luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.  

Khi ông Vũ Đức Thuận làm Tổng Giám đốc PVC thì ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC. Liên quan tới vụ án này, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC cũng bị khởi tố và truy nã.

Trong công bố hồi tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khoản lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng của PVC. Có thể nói, với hàng loạt thông tin tiêu cực nêu trên, cổ phiếu PVX một lần nữa được “chú ý” trở lại.

Hãy cùng nhìn lại chặng đường từ “đỉnh cao” xuống “vực sâu” của cổ phiếu PVX. PVC (mã cổ phiếu PVX) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí, được thành lập vào năm 1983. Công ty hoạt động trong 4 lĩnh vực bao gồm xây lắp chuyên ngành dầu khí, xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng và sản xuất công nghiệp, trong đó, doanh thu chủ yếu được mang về từ mảng xây lắp.

PVC từng là đơn vị làm ăn hiệu quả của PetroVietnam, liên tục có lãi với những dự án lớn. Hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cụm khí điện đạm Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I… đều có dấu ấn của PVC. Trong giai đoạn 2005-2009, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của PVC đạt 152%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 277%/năm, thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành xây lắp.

Chính thức lên sàn chứng khoán vào tháng 8-2009, PVC với mã chứng khoán PVX đã trở thành cổ phiếu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Có thời điểm, mức giá PVX đạt trên 30.000 đồng/cổ phiếu (năm 2010), mặt khác đây cũng là cổ phiếu thuộc Top có thanh khoản cao nhất trên sàn Hà Nội. Nhưng sau thời đỉnh cao, PVX bắt đầu tụt dốc không phanh.

Kết quả kinh doanh thua lỗ khiến từ năm 2011, cổ phiếu này liên tục giảm mạnh, thậm chí giảm về dưới mệnh giá. Đến năm 2012, PVX lọt vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch quỹ do nguyên nhân lỗ 3 năm liên tiếp. Tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu PVX chỉ còn 2.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 16-9-2016). Với mức giá này một cổ phiếu PVX không đủ để mua một cốc trà đá. 

Thua lỗ gắn với tên tuổi Trịnh Xuân Thanh

Quá trình từ “đỉnh cao” về “vực sâu” của PVC gắn liền với quãng thời gian ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2013). Báo cáo của ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ lỗ 1.927 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, Công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỷ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.

Theo báo cáo của Ban kiểm soát, việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khó khăn, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đơn vị thành viên, PVC tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.

Tại rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.

Còn theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây, ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều khuyết điểm, vi phạm và người chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ của 3.200 tỷ đồng tại PVC. Thời kỳ PVC dưới sự lãnh đạo của ông Thanh, đơn vị này đã dành tới 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và dẫn tới nợ nần.

Điều đáng chú ý là, trong lúc PVC thua lỗ cả nghìn tỷ đồng, tình hình kinh doanh lao dốc thì vào tháng 1 và tháng 5-2013, 4/5 thành viên Hội đồng Quản trị PVC, bao gồm cả ông Trịnh Xuân Thanh và Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận lại được cho rút khỏi PVC để nhận công tác khác. Ông Trịnh Xuân Thanh chuyển qua Bộ Công Thương rồi UBND tỉnh Hậu Giang. Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi PVC, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục lỗ gần 600 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2013 trước khi có lãi trở lại từ năm 2014.

Lỗ lũy kế vẫn còn gần 3.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 30-6, PVC còn khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.896 tỷ đồng. Hiện PVC còn nợ vay ngắn hạn 1.093 tỷ đồng và 1.481 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Nhìn nhận về tình hình Tổng Công ty, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC cho biết, hiện khối lượng công việc liên quan đến tái cơ cấu, thoái vốn, thu hồi công nợ còn rất nhiều. Nếu làm được, hiệu quả sản xuất PVC sẽ tốt, còn nếu không, chắc chắn sản xuất kinh doanh sẽ không gánh được các chi phí bao gồm trích lập dự phòng, đầu tư tài chính…

Hiện tại, PVC còn 3.200 tỷ đồng “đóng băng” tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, công nợ không thu hồi được. Hiện tại Tổng Công ty đang quyết toán các dự án của PVN như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, PVTex, Ethanol Phú Thọ... - đây là những dự án tại thời điểm năm 2013 PVC được giao làm tổng thầu EPC nhưng gây thua lỗ, đội vốn, do đó, công trình gần như không thể quyết toán được.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC nhận định, khó khăn mà PVC đang đối mặt là khó khăn kép, bằng sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được. Bên cạnh đó, công ty hiện chưa có thêm nhiều dự án, điều này sẽ khiến doanh thu năm 2017 và các năm về sau bị ảnh hưởng.

Trước những diễn biến nêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc thua lỗ của PVC đã được xác định, còn việc một số người nguyên là lãnh đạo của PVC bị khởi tố, tạm giam và truy nã là nhằm làm rõ trách nhiệm để xảy ra thua lỗ.

Điều này sẽ tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2016 của PVC được kiểm toán bởi Deloitte có thể thấy, lợi nhuận sau thuế sau soát xét 6 tháng đầu năm 2016 của PVC đạt 148,45 tỷ đồng, tăng 116,03 tỷ đồng so với trước soát xét và tăng 138,58 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng Công ty đã thu hồi được một số khoản công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây. Mặt khác Tổng Công ty này cũng đã nỗ lực đẩy mạnh tiến độ thi công công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công trình khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, công trình Viện Dầu khí phía Nam và các công trình trọng điểm khác.

Dự kiến, kết quả xử lý nợ và tái cơ cấu nợ của PVC sẽ có những biến động tích cực hơn trong 4 tháng cuối năm 2016. Những yếu tố tích cực này cũng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu với chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 30-8 đến 5-9-2016. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng về việc giá cổ phiếu PVX trở lại giai đoạn đỉnh cao vẫn rất xa vời.