Máy bay trinh sát chống ngầm P-1 của Nhật Bản
Ngân sách mới, bắt đầu từ tháng 4-2015, sẽ chi khoảng 19 tỷ yen (tương đương 183 triệu USD) cho các biện pháp bảo vệ những hòn đảo ngoài khơi nước này, bao gồm thành lập lực lượng đổ bộ và triển khai trực thăng vận tải MV-22 Osprey tới sân bay Saga ở Tây - Nam Nhật Bản.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ dành 95,9 tỷ yen (922 triệu USD) để sắm 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, 378 tỷ yen (3,6 tỷ USD) để mua 20 máy bay trinh sát chống ngầm P-1 thay thế các máy bay P-3C đã lỗi thời.
Ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 12-2012, bất chấp những khó khăn về tài chính của nền kinh tế, Thủ tướng S. Abe lập tức tăng cường tiềm lực quốc phòng của Nhật Bản. Trong bối cảnh tình hình biển Hoa Đông căng thẳng sau việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên biển này và những căng thẳng liên tiếp ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp giữa hai nước, một cuộc chuyển đổi có tính bước ngoặt đã diễn ra trong chính sách quốc phòng an ninh của Nhật Bản.
Hàng loạt những văn kiện đã được Nhật Bản thông qua, trong đó đáng chú ý nhất là Chiến lược an ninh quốc gia với nhiều khái niệm và cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia trong vòng 10 năm tới. Chiến lược này khẳng định bảo vệ an ninh quốc gia sẽ không hạn chế chỉ trong lĩnh vực phòng thủ mà trên sức mạnh tổng thể của quốc gia bao gồm cả các lĩnh vực ngoại giao, chính sách kinh tế và công nghệ.
Mới đây nhất, ngày 22-3-2014, Thủ tướng S. Abe đã tái khẳng định quyết tâm thay đổi chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia theo hướng sửa đổi Hiến pháp, cho phép mở rộng hơn vai trò quân đội, tiến tới dỡ bỏ những cấm kỵ trong việc thực thi quyền hỗ trợ đồng minh khi có những mối đe dọa hiện hữu. Nếu sửa đổi này diễn ra, đây sẽ là một bước ngoặt lớn trong Hiến pháp Nhật Bản, vốn được viết sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và nổi tiếng với cam kết từ bỏ quyền được phát động chiến tranh cũng như quyền tham chiến của đất nước.
Đi liền với thay đổi chính sách là các hoạt động mua sắm, sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự, tập trung vào những phương tiện chuyên dùng trong việc bảo vệ biển đảo, nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển và vùng trời ở khu vực quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc. Cụ thể, Nhật sẽ mua thêm 7 khu trục hạm, nâng tổng số tàu chiến loại này lên thành 54 chiếc; thêm 6 tàu ngầm (nâng tổng số lên 22). Một phi đội thứ hai gồm 20 chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai trên đảo Okinawa, gần vùng Senkaku, cùng với loại máy bay cảnh báo sớm. Quân đội Nhật Bản sẽ cung cấp thêm máy bay không người lái cho lực lượng không quân và lần đầu tiên sẽ thành lập một lực lượng Thủy quân lục chiến theo mô hình Mỹ.
Việc tăng cường chính sách an ninh, quốc phòng của Nhật Bản nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ, đồng minh thân cận của Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc – nước đang có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản lại tỏ ra lo ngại. Nhiều báo mạng Trung Quốc cho rằng những động thái quân sự mới của Nhật Bản rõ ràng xuất phát từ việc Mỹ và Nhật Bản coi Trung Quốc là đối thủ quân sự.