Tàu chiến hiện đại của Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận trên biển Hoa Đông
Phát biểu ngày 6-3 trong phiên điều trần trước Quốc hội, Đô đốc Samuel J. Locklear - Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ tại Thái Bình Dương - bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và liên tiếp có những “hành động cứng rắn“ tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo Đô đốc Locklear, đó cũng là mối lo ngại của nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Viên Tư lệnh quân đội Mỹ nêu rõ: “Nỗ lực của Trung Quốc tập trung chế tạo, thử nghiệm, và đưa vào hoạt động các loại máy bay, chiến hạm, vũ khí và hệ thống hỗ trợ mới đang làm gia tăng tâm lý quan ngại trong vùng”. Cũng theo Đô đốc Locklear, việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang tìm cách áp đặt các đòi hỏi chủ quyền biển đảo ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự, đi kèm với đó là các hành động quyết liệt trên các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Trước đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần bày tỏ sự quan ngại, chỉ trích các hành động đòi hỏi chủ quyền gây căng thẳng trong khu vực của Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trong khi đó, đi đôi với những đòi hỏi chủ quyền trên biển, Trung Quốc đã tập trung đầu tư, phát triển rất mạnh tiềm lực quân sự, đặc biệt là hải quân. Chi phí quân sự của Trung Quốc đã liên tục gia tăng trong nhiều năm qua, từ 532 tỷ nhân dân tệ năm 2010 lên 601 tỷ năm 2011, 670 tỷ năm 2012 và 720 tỷ năm 2013 (khoảng 115 tỷ USD) song, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Anh), con số thực có thể cao hơn khoảng 40%.
Được đầu tư ngày càng lớn, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã có bước nhảy vọt cả về lượng và chất để xếp vào hàng ngũ các cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Việc Trung Quốc đưa vào thử nghiệm trên biển hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên với loại máy bay chiến đấu hiện đại J-15 mà nước này tuyên bố sánh ngang với máy bay chiến đấu F/A-18 của Mỹ là một minh chứng.
Thế nên, Mỹ không chỉ tỏ ra lo ngại mà còn đang hành động đáp trả với tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Lầu Năm góc tuyên bố sẽ bố trí lại lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương để đến năm 2020 sức mạnh quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương/Đại Tây Dương sẽ từ tỷ lệ 50/50% hiện nay nghiêng thành 60/40%.
Triển khai thực hiện chuyển trọng tâm chiến lược trên, Lầu năm góc đã lên kế hoạch triển khai những số tàu chiến mới nhất cùng các vũ khí công nghệ cao tới châu Á - Thái Bình Dương. Trong số này có những loại vũ khí mà Mỹ trước đó chưa từng triển khai nơi nào trên thế giới ngoài lãnh thổ nước này.
Cũng chỉ vài giờ sau khi Đô đốc Locklear bày tỏ sự lo ngại, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã lập tức tái khẳng định: Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và có lợi ích đáng kể trong khu vực.