- Sẽ xử lý nghiêm xe ô tô 45 chỗ cố tình “chui” qua cầu vượt
- Tháng 9 sẽ áp dụng cấp bằng lái xe số tự động
- Hơn 3.550 tỷ đồng đầu tư cho tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn
Thiếu lái xe hạng FC
Cả nước hiện có 41.385 ô tô đầu kéo, trong đó Hà Nội có hơn 3.300 xe, Hải Phòng có 9.000 xe, TP.HCM có hơn 11.600 xe… Về GPLX hạng FC, cả nước hiện có hơn 56.000 GPLX. Số lượng GPLX đã cấp đạt tỷ lệ 1,36 GPLX/ô tô đầu kéo.
Từ năm 2014, do việc siết chặt tải trọng phương tiện nên nhiều doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm xe đầu kéo để chở hàng. Do đó, lái xe hạng FC ở tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Không ít doanh nghiệp đã phải dùng lái xe hạng C đôn lên hạng FC (như một hình thức dùng bằng lái xe giả). Hậu quả của tình trạng thiếu lái xe hạng FC này đã dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng tổ chức sản xuất, mua bán sử dụng GPLX giả để hành nghề trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp do thiếu hiểu biết, không cập nhật được thông tin, không xác minh GPLX khi tuyển dụng nên vẫn tiếp nhận và giao xe đầu kéo cho các đối tượng này để điều khiển vận chuyển hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo chở container trong thời gian vừa qua.
Lái xe có bằng C sẽ chỉ cần 1 năm thâm niên để thi lên hạng FC
Ông Lê Như Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng thông tin, trên địa bàn Hải Phòng, từ năm 2014 đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư thêm khoảng 2.000 xe đầu kéo, tuy nhiên lái xe có bằng FC lại không đáp ứng kịp.
Khó đạt chỉ tiêu ATGT
Để giải quyết thực trạng “khát” lái xe hạng FC, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM và Hải Phòng đều kiến nghị Bộ GTVT thay đổi một số điều kiện chuyển đổi GPLX từ hạng C, D, E sang hạng FC. Cụ thể, lái xe đủ 24 tuổi, có GPLX hạng C, D, E và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm được quyền chuyển đổi lên hạng FC thay vì 3 năm như trước đây và 50.000km lái xe an toàn. Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, rút ngắn thâm niên xuống còn 1 năm không phải vấn đề, quan trọng là ngành GTVT phải siết chặt đào tạo, sát hạch, để kết quả thi phản ánh đúng thực chất trình độ, nhận thức của người lái xe. “Tránh tình trạng đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà đào tạo kiểu chạy theo số lượng, bỏ qua hoặc xem nhẹ chất lượng”, ông Lê Như Tiến cảnh báo.
Năm 2009, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, tất cả các lái xe đầu kéo phải có bằng FC thay vì GPLX hạng C. Thời điểm đó, hàng chục nghìn lái xe đã phải vất vả thi chuyển đổi lấy bằng FC. Theo Luật hiện hành, lái xe muốn thi bằng FC phải từ 24 tuổi trở lên, có đủ thời gian lái xe hạng C là 3 năm và 50.000km lái xe an toàn. Học viên phải học đủ 192 giờ, gồm 48 giờ học lý thuyết và 144 giờ học thực hành lái xe. Song, hiện tại do các doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều xe đầu kéo nên thiếu lái xe có bằng FC. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành GTVT đã rút ngắn quy định về thâm niên nhưng sẽ tăng số giờ lái xe an toàn lên 100 giờ.
Lo ngại “nới” điều kiện thi lấy bằng FC sẽ ảnh hưởng đến ATGT, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ: “Khi chúng ta đã chấp nhận nới điều kiện thì ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng lên chỉ tiêu ATGT. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thì doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm, siết chặt lái xe, chủ động hơn trong việc đào tạo và thu hút nhân lực”.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin thêm, dự kiến trong tháng 6, việc sửa đổi Thông tư 46 về đào tạo, sát hạch lái xe hạng FC sẽ hoàn tất và có hiệu lực. Cũng trong tháng 6, Tổng cục sẽ hậu kiểm việc sử dụng lái xe hạng FC ở một số địa bàn “nóng”. Xe đầu kéo là loại xe đặc biệt nên lái các loại xe này phải tuân thủ các điều kiện đặc biệt mới được cấp bằng FC. Nay chỉ vì thiếu bằng lái xe mà quyết định “nới” các tiêu chuẩn, điều kiện cho lái xe hạng FC là thiếu thuyết phục và người ta lo ngại mất ATGT từ loại xe này là có cơ sở.