Lo ngại “bong bóng tài sản” khi lãi suất xuống thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia của VERP cho rằng, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Điều này dẫn đến lo ngại về tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2021 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) công bố, các chính sách hỗ trợ tiền tệ năm 2020 đã để lại hiệu ứng phụ tương đối lớn: dòng tín dụng không đi trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.

Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Trong năm 2021, nhóm nghiên cứu cho rằng chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Trong đó, đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng lãi suất thấp sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng đến những kênh tài sản

Các chuyên gia cho rằng lãi suất thấp sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng đến những kênh tài sản

Thực tế, thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình.

Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn.

Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

“Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài” – báo cáo chỉ ra.

Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản (fundamentals), sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực.