Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát tại Quảng trường Tahrir, Cairo
Thủ đô Syria bị tấn công
Ngày 20-11, người dân Thủ đô Damascus của Syria đã bị rúng động bởi những tiếng nổ lớn. Nguồn tin tại chỗ cho biết, ít nhất 2 quả đạn súng phóng lựu đã rơi vào tòa nhà của Đảng Baath cầm quyền ở Damascus. Quân đội giải phóng Syria - một nhóm lực lượng vũ trang nổi dậy đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Đây là vụ tấn công đầu tiên của lực lượng nổi dậy bên trong thủ đô kể từ khi phong trào nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra suốt 8 tháng qua.
Mặc dù thời hạn chót mà Liên đoàn Arập đưa ra để chính quyền Damascus chấm dứt tình trạng bạo lực (19-11) đã qua, nhưng dấu hiệu bạo lực tại Syria không hề giảm bớt. Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria cho biết ngày 19-11, ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại miền trung tỉnh Hama và khu vực Jabal al-Zawiya gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn tờ Thời báo chủ nhật của Anh, Tổng thống Syria Bashar Assad đã nói rằng xảy ra xung đột trong các cuộc biểu tình bạo lực là điều không thể tránh khỏi và chính phủ đang nỗ lực tìm cách lập lại trật tự xã hội. “Những vụ biểu tình tại Syria không mang tính chất hòa bình, có nhiều tay súng đã trà trộn vào đó. Vì vậy nhiệm vụ của chính phủ là phải tiêu diệt những tay súng đó để lập lại ổn định và bảo vệ người dân, đó là nghĩa vụ đồng thời là những gì mà chúng tôi đang làm. Sẽ không có giới hạn nào trong hành động bảo vệ đất nước” - ông Bashar Assad nói đồng thời khẳng định Syria sẽ không khuất phục bất chấp sức ép từ Liên đoàn Arập hay các nước phương Tây. Ông Assad cảnh báo sự can thiệp Liên đoàn Arập vào Syria có thể tạo ra cái cớ để phương Tây có hành động quân sự chống nước này, và điều đó sẽ gây ra chấn động gây ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực Trung Đông.
Ai Cập: Hơn 900 người biểu tình bị thương
Trong khi đó, tại Ai Cập, những cuộc đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình “Ngày thứ 6 yêu sách” và cảnh sát hôm 20-11 khi người biểu tình lại chiếm giữ Quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo và chặn các tuyến đường quanh đó. Nhà chức trách Ai Cập cho biết, hàng nghìn người đã đổ ra đường hô vang các khẩu hiệu chống Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang do ông Mohamed Hussein Tantawi đứng đầu. Họ ném đá và đốt cháy xe cảnh sát, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán người biểu tình. Ít nhất 928 người bị thương và 2 người khác thiệt mạng trong các vụ đụng độ, 18 người bị bắt giữ. Các vụ đụng độ tương tự cũng xảy ra ở 2 thành phố Suez và Alexandria. Bộ Y tế cho biết, 40 nhân viên cảnh sát cũng nằm trong số những người bị thương.
Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Ai Cập diễn ra trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến được tổ chức vào ngày 28-11 tới. Nội các Ai Cập đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, đồng thời cảnh báo, các cuộc đụng độ có thể tác động nguy hiểm tới nước này. Quân đội Ai Cập cho biết họ muốn chuyển giao quyền lực cho một quốc hội và tổng thống dân sự, nhưng nhiều người dân tỏ ra không hài lòng với tiến độ chuyển giao và hòa giải của giới lãnh đạo nước này.
Libya - lo ngại bất đồng Các tay súng Libya bắt được Seif al-Islam Gadhafi, con trai và từng được cho là người kế nhiệm ông Moammar Gadhafi, ngày 20-11 cho biết, họ muốn giam giữ Seif cho đến khi hệ thống tòa án được thiết lập. Các binh sĩ cũng yêu cầu xét xử Seif bên trong lãnh thổ Libya. Seif al-Islam Gadhafi bị Tòa án Hình sự quốc tế truy nã về tội ác chống lại loại người, bị bắt tại sa mạc miền nam Libya hôm 19-11, sau đó được đưa về giam giữ tại một địa điểm bí mật ở thị trấn miền núi Zintan, cách Thủ đô Tripoli 150km về phía tây nam. Người đứng đầu Hội đồng quân sự Zintan, Đại tá Mohammed al-Khabash cho biết, họ không có ý định giao nộp Seif al-Islam Gadhafi cho Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC). Việc các tay súng Zintan đưa ra tuyên bố trên làm dấy lên những nghi ngờ về mức độ kiểm soát Libya của NTC và liệu các nhóm tay súng có vũ trang có thể hành động một cách độc lập. |