“Lô cốt” giao thông: Gây tắc đường trầm trọng

ANTĐ - Những “lô cốt” được quây bởi hàng rào tôn cao chiếm phần lớn diện tích đường giao thông đã khiến cho đường phố Hà Nội vốn đã chật chội nay càng thêm bí bách. Tắc đường, khói bụi, còi xe khiến người dân  mệt mỏi. Ở một số nơi, người dân phản ánh, bên ngoài “lô cốt” sáng chiều ùn tắc nhưng bên trong lại vắng bóng công nhân thi công…

“Lô cốt” giao thông: Gây tắc đường trầm trọng ảnh 1Ùn tắc trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú trong giờ cao điểm

Khổ vì tắc đường

7h sáng, người dân chen chúc từng mét, chật vật để len lỏi lên phía trước là hình ảnh thường thấy thời gian gần đây ở một số tuyến đường của Thủ đô như Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Bưởi... Những “lô cốt” tràn ra mặt đường khiến giao thông ùn tắc thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm.  

 Anh Phạm Quang Huy (31 tuổi, ở Hạ Đình,Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình anh phải thay đổi lịch buổi sáng sớm hơn 1 giờ để đối phó với nạn tắc đường trên tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi. Tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông dài hơn 5km nhưng mỗi khi đi làm, anh Huy phải mất từ 45 phút đến 1 giờ. Theo anh Huy, tình trạng này diễn ra gần 1 năm nay, kể từ khi gần một nửa lòng đường Nguyễn Trãi bị quây hàng rào để làm đường sắt trên cao. “Ai cũng biết khi thi công đường sắt trên cao thì phải rào công trình để đảm bảo an toàn nhưng tôi thấy nhiều điểm chưa hợp lý, có chỗ chỉ làm đêm mà cũng quây rào cả ngày. Có chỗ rào nhô hẳn ra, tạo thành nút thắt cổ chai… Người đi làm cũng khổ, người kinh doanh buôn bán lại càng khó hơn”, anh Huy nói.

Tình trạng trên còn xuất hiện ở một số tuyến đường như quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn, mặt đường chỉ còn 1/3 do “lô cốt” án ngữ. Cách đó vài km là nút tắc đầu đường Xuân Thủy, nơi “lô cốt” nằm chắn gần nửa mặt đường… Giờ cao điểm, lưu lượng xe quá lớn khiến mọi người chỉ còn biết ngao ngán nhích từng mét qua đây.

Thi công phải đảm bảo giao thông

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 27 công trình hạ tầng giao thông với 57 điểm có rào chắn. Tuy nhiên, các chủ thầu chưa nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông như: chưa đảm bảo đủ ánh sáng, biển báo; thời gian lập rào chắn chưa hợp lý; chưa cử người phối hợp cùng các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông phân luồng, nhất là vào giờ cao điểm... Các tuyến đường trọng điểm hiện nay luôn quá tải từ 6-10%. Lực lượng CSGT đã chủ động tổ chức ứng trực, phân luồng đảm bảo giao thông từ 6h30 đến 22h tại các tuyến trọng điểm như Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Bưởi... cũng như tại 336 điểm trên khắp địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do những bất cập trên chưa được khắc phục nên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra.

Về giải pháp, Đại tá Đào Vịnh Thắng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình đang thi công trên địa bàn, nhất là những công trình không có người thi công, giám sát chặt chẽ để xử lý, trả lại mặt đường phục vụ giao thông; tạm dừng thi công sửa chữa vỉa hè để chỉnh trang, bó, sắp xếp lại các tuyến dây cáp, dây điện...

Đồng tình với kiến nghị của Phòng CSGT - CATP Hà Nội, qua những lần trực tiếp đi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tại nhiều điểm công trường giao thông đang thi công, phần rào chắn bị xộc xệch, có tình trạng vật liệu xây dựng để tràn ra lòng đường… Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng kiểm tra ngay toàn bộ các công trình để xử lý, trả lại mặt đường để phục vụ giao thông. Sở GTVT cần đẩy nhanh việc bỏ dải phân cách cứng, phân làn bằng sơn để tạo thêm không gian cho các phương tiện lưu thông. Sở Xây dựng, Sở TT&TT, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội khẩn trương triển khai bó gọn, sắp xếp dây, cáp điện. “Thi công công trình phải đảm bảo giao thông chứ giao thông không thể “chạy” theo công trình. Chủ đầu tư nào cố tình vi phạm, UBND TP sẽ đình chỉ ngay”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.