Liên minh châu Âu “phân cực” sau hàng loạt chuyến công du tới Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc hàng loạt nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) có các chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này với cựu lục địa, song các chuyến công du cũng phần nào cho thấy những “chia rẽ”, “rạn nứt” nhất định trong liên minh này trong quan hệ với Bắc Kinh.

Những chuyến thăm viếng liên tiếp

Việc nhiều nhà lãnh đạo ở Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp công du Trung Quốc trong thời gian ngắn vừa qua để lại thông điệp đáng chú ý. Chuyến công du tới Bắc Kinh cuối tháng 3 vừa qua của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez được cho đã khởi đầu cho một “làn sóng thăm Trung Quốc” khi tiếp đó là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) Von der Leyen, rồi Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc. Cuối năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã tới thăm Trung Quốc và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cũng lên kế hoạch công du Bắc Kinh vào tháng 5 tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Von der Leyen trong cuộc gặp ba bên tại Bắc Kinh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Von der Leyen trong cuộc gặp ba bên tại Bắc Kinh

Những chuyến thăm Trung Quốc với mật độ khá dày đặc của các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong bối cảnh về tổng thể quan hệ giữa liên minh này với Bắc Kinh không mấy yên ả, song cường quốc này đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề cấp bách như cuộc xung đột quân sự tại Ukraine hay kinh tế -thương mại. Có thể nói, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn “sóng gió” nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây khi liên minh nay vào cuối năm 2019 đã công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”. EU sau đó đã thi hành các chính sách ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc khi “giọt nước tràn ly” là liên minh lần đầu sau gần 3 thập kỷ áp đặt biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương vào tháng 2-2021.

Trung Quốc ngay sau đó đó tung ra các biện pháp trả đũa còn quyết liệt hơn khiến quan hệ hợp tác song phương lao dốc nhanh chóng. Điển hành là Hiệp định hợp tác đầu tư đầy tham vọng mà hai bên đã đàm phán xong xuôi đã bị “đóng băng” vô thời hạn.

Đại dịch Covid-19 bùng phát cùng các hạn chế đi lại, giao thương càng khiến quan hệ giữa EU và Trung Quốc xuống thấp hơn. Tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu mà Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” và cuộc xung đột quân sự tại Ukraine bùng phát khiến EU càng nhận rõ hơn vai trò của Trung Quốc giờ đây đã là một trong những siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới cũng như một cực quyền lực không thể bỏ qua trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu.

Năm 2020, năm đầu tiên sau khi EU công khai chính sách coi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” và cũng là năm đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành nặng nặng, song Trung Quốc vẫn vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong cùng năm. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trao đổi thương mại hai chiều giữa EU và Trung Quốc năm 2022 đạt 586 tỷ euro (711 tỷ USD), trong khi con số này với Mỹ là 555 tỷ euro (673 tỷ USD). Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của EU, trong đó giúp thúc đẩy xuất khẩu ô tô và các hàng hóa xa xỉ vốn ế ẩm tại châu Âu do suy giảm kinh tế.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra cuối tháng 2 vừa qua tại trụ sở của liên minh tại Brussels (Bỉ), mặc dù các chủ đề về Trung Quốc không có trong chương trình nghị sự song các lãnh đạo các quốc gia thành viên lại dành khá nhiều thời gian để thảo luận về quan hệ với Trung Quốc. Cho dù vẫn có những ý kiến dè dặt, quan ngại nhưng theo giới quan sát, quan điểm chiếm thế áp đảo là châu Âu không được “để mất Trung Quốc”, điều được cho là không để quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ như quan hệ giữa liên minh này với Nga.

Bên cạnh kinh tế, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng, Trung Quốc với ảnh hưởng của mình, nhất là với Nga, đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc từng gây chú ý khi công bố bản kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm giải quyết xung đột quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2-2023.

Lợi ích sát sườn là nhân tố quan trọng

Vai trò của Trung Quốc trong giải quyết xung đột tại Ukraine cũng như chặn đà suy giảm kinh tế là điều châu Âu không bàn cãi. Tuy nhiên, tiếp cận, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc thế nào, nhất là phải thực hiện điều này nhưng không làm ảnh hưởng, suy giảm quan hệ đồng minh thân cận xuyên Đại Tây Dương với Mỹ lại là vấn đề chưa thể tìm được tiếng nói chung trong EU.

Rất đáng chú ý khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã cùng công du Trung Quốc, thậm chí hai nhà lãnh đạo này còn tổ chức riêng một cuộc họp ba bên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này được cho là nhằm thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc bởi với cách tiếp cận hòa dịu hơn và hướng tới hợp tác, Tổng thống Emmanuel Macron được cho đại diện cho bên “mặt xanh” trong khi Ursula von der Leyen với quan điểm cứng rắn đại diện cho bên “mặt đỏ” ở châu Âu mà đa phần là các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu.

Tổng thống Emmanuel Macron cho thấy rõ việc muốn tránh xa cách tiếp cận được coi là “đối đầu” với Trung Quốc của Mỹ và luôn tỏ ra hòa dịu hơn nhiều so với bà Ursula von der Leyen trước và trong chuyến công du tới Bắc Kinh. Chủ tịch EC ngay trước chuyến đi đã có một bài phát biểu rất gay gắt, cáo buộc về lập trường “cứng rắn có chủ đích xuất phát từ vị trí chiến lược toàn cầu của Trung Quốc” và tiếp tục tỏ ra gay gắt khi đã tới Trung Quốc. Trong khi ông Emmanuel Macron lên tiếng hoan nghênh kế hoạch hòa bình 12 điểm giải quyết xung đột quân sự tại Ukraine của Trung Quốc, bà Ursula von der Leyen lại không ngần ngại nhấn mạnh rằng, nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Matxcơva thì “điều đó sẽ làm tổn hại đáng kể đến mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc”.

Tổng thống Pháp cũng nói rõ “không chấp nhận bị lôi kéo vào vòng xoáy gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây”. Tuy nhiên, vị nữ Chủ tịch EC lại nhấn mạnh đến việc phải “giảm thiểu rủi ro” trong quan hệ với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Pháp khi dẫn đầu phải đoàn gồm 50 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của nước này như EDF, Alstom, Veolia, Airbus… chủ yếu quan tâm đến việc làm ăn, củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, cho rằng EU không nên “đi theo Mỹ” và nhấn mạnh việc gây căng thẳng về Đài Loan (Trung Quốc) không phải là lợi ích của liên minh. Ngược lại, vị Chủ tịch EC khai tuyên bố, sự ổn định ở Eo biển Đài Loan là “tối quan trọng”, đồng thời cảnh cáo “mọi mưu toan thay đổi nguyên trạng”.

Quan điểm cũng như cách ứng xử Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm được Trung Quốc đón tiếp rất trọng thị, nồng ấm được cho khá tương đồng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi tới thăm cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ này hồi cuối năm 2022.

EU sau khi công khai chính sách Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” vẫn còn khá cứng rắn trong quan hệ với Bắc Kinh, nhưng lợi ích trong hợp tác với Trung Quốc, nhất là về lợi ích kinh tế sát sườn, đang dẫn tới những phân cực, rạn nứt nhất định trong liên minh. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới một sự chuyển dịch riêng rẽ nào đó chứ khó có thể dẫn tới thay đổi lớn trong chính sách của liên minh với Trung Quốc trong tương lai gần bởi còn phụ thuộc, chịu tác động của nhiều nhân tố khác, đặc biệt đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương.