Liên minh châu Âu kêu gọi Israel không hành động quân sự ở Rafah

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 26 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Israel không thực hiện hành động quân sự tại Rafah, thành phố ở cực nam Gaza, nơi có gần 1,5 triệu người đang trú ẩn.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell

Lời kêu gọi trên đã được các ngoại trưởng của 26 nước EU đưa ra trong 1 tuyên bố tại Brussels, Bỉ.

Phát biểu sau cuộc họp, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh chiến dịch quân sự ở Rafah sẽ “làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc, cản trở việc cung cấp dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo để đáp ứng nhu cầu cấp bách”.

Mối lo ngại của cộng đồng quốc tế gia tăng trong bối cảnh Israel dường như sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Rafah với lý do Hamas vẫn còn 4 tiểu đoàn trong thành phố này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel và là thành viên nội các chiến tranh Benny Gantz cho biết, quân đội sẽ tiến vào Rafah nếu Hamas không thả toàn bộ con tin trước tháng Ramadan, thời điểm linh thiêng của người Hồi giáo bắt đầu vào khoảng ngày 10-3 năm nay.

Người dân Palestine bên đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza

Người dân Palestine bên đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza

Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hay, Ngoại trưởng Chính quyền Palestine Riad Malki nói rằng “nạn diệt chủng đang diễn ra ở Dải Gaza” là kết quả của việc không bị trừng phạt và không hành động trong nhiều thập kỷ. Theo ông, “chấm dứt quyền miễn trừ của Israel là một mệnh lệnh đạo đức, chính trị và pháp lý”.

Ông Malki cho rằng, việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực, đàn áp, phân biệt chủng tộc đối với người dân và phủ nhận quyền tự quyết đều là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản nhất của luật pháp quốc tế.

Các phiên điều trần sẽ kéo dài đến thứ Hai tuần sau, với sự tham gia của 55 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Vào tháng 10-2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến liên quan đến việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine.