Liên minh châu Âu bất đồng trong “cuộc chiến không tiếng súng” với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Càng leo lên những nấc thang cao hơn trong “cuộc chiến không tiếng súng” - cuộc chiến trừng phạt với Nga, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) càng bộc lộ thêm những mâu thuẫn, bất đồng mà nguyên do chủ yếu là cái giá mà các quốc gia thành viên liên minh này phải trả ngày càng đắt theo.

Đòn trừng phạt nặng tính tượng trưng

Gói trừng phạt thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa quốc gia này và Ukraine hồi tháng 2-2022 vừa qua đã chính thức có hiệu lực từ ngày 21-7. Gói trừng phạt mới nhất được đưa ra sau khi được các quốc gia thành viên EU là Pháp, Đức và Italia cùng các đối tác gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 vừa qua.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto với thỏa thuận vừa ký kết với Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong chuyến thăm Nga

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto với thỏa thuận vừa ký kết với Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong chuyến thăm Nga

Trước gói trừng phạt mới nhất, kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2, EU đã thông qua 6 gói trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực đối với các nhà tài phiệt và quan chức cấp cao Nga, kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu than đá và dầu mỏ của Nga. Trong đó, đòn trừng phạt nặng nhất là việc EU áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu thô của Nga được nhập khẩu bằng đường biển cho tới cuối năm 2022 (có các miễn trừ để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech nhận dầu vận chuyển qua hệ thống đường ống) và loại bỏ một trong những ngân hàng lớn cuối cùng của Nga hỏi hệ thống SWIFT.

Theo gói trừng phạt mới, EU sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Ngoài ra, liên minh này cũng đưa thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào “danh sách đen” bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh vào các quốc gia EU. Liên minh cũng sẽ đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga.

Gói trừng phạt thứ 7 cũng mở rộng danh sách các mặt hàng lưỡng dụng (dân sự - quân sự) bị cấm xuất khẩu khẩu sang Nga, đồng thời bổ sung thêm danh sách các cá nhân và thực thể có dính dáng đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hơn nữa, gói trừng phạt mới được cho có các biện pháp nhằm bịt các lỗ hổng của các biện pháp trừng phạt đã được thông qua trước đó, chẳng hạn như bằng cách bổ sung một số sản phẩm cụ thể vào danh mục hàng hóa bị cấm. Gói trừng phạt mới còn liên quan đến công bố chi tiết mới đây của Ủy ban châu Âu (EC) về các mặt hàng bị cấm vận chuyển tới vùng Kalingrad của Nga.

Theo đánh giá của giới phân tích, ngoài việc nêu rõ cấm nhập khẩu vàng từ Nga, các biện trừng phạt như nhằm vào ngân hàng hay các quan chức Nga cũng không có gì mới bởi thực tế từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine tới nay thì hai bên cũng không có một hoạt động đi lại nào của các quan chức. Thế nên, họ cho rằng gói trừng phạt mới nhất chủ yếu mang tính biểu tượng vì các biện pháp trừng phạt trước đó nhằm vào Nga đã phát huy tác dụng trong việc đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ, kể cả các trung tâm thương mại tại London (Anh) và Zurich (Thụy Sĩ).

Ngay bản thân Hội đồng châu Âu cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU không ngăn cản các nước thứ 3 và công dân của họ hoạt động kinh doanh bên ngoài các thành viên liên minh mua dược phẩm hoặc sản phẩm y tế từ Nga. Ngoài ra, EU còn cho phép cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Nga trong lĩnh vực hàng hóa và công nghệ hàng không.

Cú “boomerang” với EU

Tất nhiên, mọi đòn trừng phạt chống Nga của một khối kinh tế lớn như EU và sự leo thang của nó đều gây ra những khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế Nga dù rằng quốc gia này đến nay vẫn chống chọi được. Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 4-2022 ước tính, GDP nước này sẽ giảm 8-10% trong năm nay. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga sau đó có nói rằng đà sụt giảm có thể thấp hơn, song không đưa ra con số cụ thể. Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế, nhóm thương mại có trụ sở tại Washington (Mỹ), dự báo GDP của Nga sẽ giảm 15% trong năm 2022. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù ở kịch bản nào, sụt giảm kinh tế Nga sẽ nghiêm trọng hơn mức 3,1% của GDP toàn cầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo số liệu của Nga, lạm phát của nước này tăng lên 15,9% hồi tháng 6-2022, cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Các nhà phân tích dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp của Nga cũng có thể tăng vào cuối năm nay, khi các cơ sở, nhà máy dần hết nguồn vật tư, linh kiện dự trữ, trong khi không nhập được hàng mới do lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Số công dân Nga tuyên bố phá sản và phải thanh lý tài sản trong nửa đầu năm 2022 tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước…

Thế nhưng, trừng phạt kinh tế hiện nay - nhất là nhằm vào một cường quốc có những thứ “vũ khí” lợi hại như dầu mỏ, khí đốt, lương thực, tài nguyên dồi dào như Nga - thì đều là một cú “boomerang” với chính người tung ra nó. Cả 7 gói trừng phạt mà EU đưa ra đều chưa đạt được hiệu quả mà họ mong muốn, trong khi tác động ngược trở lại khá nặng nề với không chỉ nền kinh liên minh.

Các biện pháp trừng phạt của EU cùng Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt với nền kinh tế, ngành xuất khẩu năng lượng và dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã gây biến động mạnh trên thị trường toàn cầu, khiến giá hai mặt hàng thiết yếu, sống còn là năng lượng, lương thực tăng vọt, đe dọa an ninh và kinh tế toàn cầu. Các quốc gia EU giờ đây phải vất vả chống đỡ với lạm phát cao, tăng trưởng đình trệ và nguy cơ thiếu hụt năng lượng khi mùa đông năm nay đang đến gần. Thủ tướng Hugary Viktor Orban cho rằng, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đang có nguy cơ phá hủy nền kinh tế của chính châu Âu.

Lao vào cuộc chiến “lưỡng bại câu thương” với Nga đã làm nảy sinh những rạn nứt, mâu thuẫn ngay trong nội bộ EU. Một số quan chức và chuyên gia phương Tây cho biết, bất kỳ biện pháp nào được nêu trong các gói trừng phạt đều mất rất nhiều thời gian để soạn thảo và thực hiện, thậm chí không thể tìm được tiếng nói chung nên phải chấp nhận các trường hợp ngoại lệ. Một trong những người chỉ trích quyết liệt nhất các lệnh trừng phạt của châu Âu là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người tiếp tục phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được EU thông qua vào tháng trước, tuyên bố EU “tự bắn vào phổi” với các lệnh trừng phạt Nga.

Tại Italia, đảng Phong trào 5 Sao trong liên minh cầm quyền đã tranh cãi quyết liệt với Thủ tướng Mario Draghi về chính sách tăng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đảng này sau đó từ chối ủng hộ chính phủ, khiến liên minh cầm quyền tan rã và Thủ tướng Mario Draghi phải đệ đơn từ chức ngày 21-7 vừa qua. Liên minh Đồng lòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đánh mất thế đa số tại quốc hội.

Một trong những động thái thể hiện rạn nứt trong nội bộ EU là chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Đây cũng là Ngoại trưởng đầu tiên của một quốc gia thành viên EU tới thăm chính thức Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự vào Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Matxcơva ngày 21-7, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết, Hungary đã đàm phán mua bổ sung mua 700 triệu m3 khí đốt ngoài số lượng quy định trong các hợp đồng dài hạn năm nay nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong nước. Ông Peter Szijjarto nói thẳng thừng rằng: “Một số người có thể bán những lời hứa suông và theo đuổi mộng tưởng, nhưng thực tế không thể thay đổi. Dù muốn hay không, đơn giản là không thể mua lượng khí đốt bổ sung này ở châu Âu nếu không có nguồn của Nga”.