Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động phi pháp nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục nhận sự chỉ trích của các nước trong khu vực và trên thế giới bởi nó không tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA).

Cấm đánh bắt cá cả trong vùng biển của nước khác

Mới đây, viết trên Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: “Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào năm 2016 và luật pháp quốc tế”. Ông Ned Price nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.

Đoàn tàu cá của ngư dân miền Trung Việt Nam vươn khơi bám biển

Đoàn tàu cá của ngư dân miền Trung Việt Nam vươn khơi bám biển

Phát biểu của ông Ned Price được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines thông báo gửi Công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên Biển Đông, cũng như triệu quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi quấy rối tàu RV Legend đang “thực hiện nghiên cứu khoa học hàng hải” trên Biển Đông.

Từ năm 1999 đến nay, cứ vào dịp đầu tháng 5, Trung Quốc lại đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, kéo dài trong 3 tháng. Phạm vi tuyên bố áp đặt lệnh cấm là các vùng biển thuộc vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên ở Biển Đông. Đi liền với lệnh cấm, Trung Quốc điều một số lượng lớn tàu ngư chính, hải giám tăng cường hoạt động trong khu vực Biển Đông để kiểm soát, tịch thu tàu thuyền, trang thiết bị những tàu đánh cá mà Trung Quốc cho là vi phạm lệnh cấm đánh cá.

Việc cấm đánh bắt cá hàng năm vào mùa vụ cá sinh sản, cá đẻ và cá di cư thì quốc gia nào cũng có kế hoạch, có thời gian và có vùng cấm của mình để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là việc hết sức bình thường, theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cách làm phi lý và phi pháp của Trung Quốc. Không chỉ cấm đánh bắt cá trong vùng biển của mình, Bắc Kinh còn cấm đánh bắt cá trong vùng biển của cả các nước khác trong khu vực. Nhìn trên hải đồ, khu vực mà Trung Quốc áp đặt lệnh cấm bao trùm khu vực Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và một phần Biển Đông từ vĩ tuyến 12, trong đó gồm một phần vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough, nơi Philippines tuyên bố chủ quyền.

Căn cứ vào lệnh trên, tàu cá của các nước tự nhiên phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc. Nếu không chấp hành thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tàu thuyền, thiết bị và số cá đánh bắt được. Chính vì thế mà lệnh cấm hàng năm này của Trung Quốc dẫn đến sự gia tăng các cuộc đụng độ giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc với ngư dân các nước trong khu vực, trong đó có ngư dân Việt Nam, Philippines.

Trong Công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, Philippines cho rằng, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc là “vượt quá các quyền hàng hải hợp pháp của Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); không có cơ sở luật pháp quốc tế và làm xói mòn lòng tin giữa hai nước”.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nêu rõ: “Một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.

Hành động phi pháp nguy hiểm và khiêu khích

Theo nhiều học giả và chuyên gia phân tích, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc nằm trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông thông qua yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra năm 2009. Trước hết, Trung Quốc muốn tỏ ra cho thế giới thấy rằng, mình vẫn đang thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển “đường lưỡi bò”, bất chấp yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ.

Nếu các nước không có biện pháp đối phó, để tàu, thuyền đánh cá của mình bị các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (tàu cá có vũ trang) của Trung Quốc đe dọa, va đâm mà từ bỏ các ngư trường, thì Trung Quốc dần sẽ chiếm thế thượng phong để từng bước thể chế hóa sự quản lý các vùng biển của nước khác theo đúng yêu sách “đường lưỡi bò”.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, theo đoạn 716 thuộc phán quyết năm 2016 của tòa PCA, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc “vi phạm Điều 56 của UNCLOS năm 1982 về quyền của Philippines đối với các nguồn tài nguyên và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia”. Phán quyết của tòa PCA cũng khẳng định quyền đánh bắt cá truyền thống và hợp pháp của ngư dân Philippines.

Nhận xét về việc làm của Trung Quốc, GS.TS James Kraska, chuyên gia Luật Hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng: “Trung Quốc nói lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ các ngư trường trong khu vực, nhưng mục đích thực sự của họ là khẳng định quyền lực ép buộc đối với các quốc gia láng giềng”. Theo ông James Kraska, phần lớn cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các nước này có quyền hợp pháp với tất cả tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá, trong EEZ của họ.

Còn theo Đại tá Hải quân Mỹ Christopher Howard Sharman, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford, Trung Quốc đang áp dụng luật pháp trong nước để thực thi quy định hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc lẫn nước ngoài. Đây là hành động phi pháp nguy hiểm và khiêu khích”.