Lời biện bạch cho những tham vọng phi pháp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi tiến hành những hành động gây hấn một cách có hệ thống trên Biển Đông, Trung Quốc lại luôn tìm cách biện bạch cho việc làm này bằng những lời giải thích mang tính chủ quan, không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mục đích là nhằm che giấu tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược.
Tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa

Tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa

Ngụy biện cho việc làm sai trái

Mới đây, tờ South China Morning Post đã đăng bài viết của ông Mark J.Valencia (người đang làm việc cho Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông) giải thích những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu dựa trên những bài học lịch sử và nước này cần đảm bảo khả năng phòng vệ trước các mối nguy - cụ thể là từ Mỹ, do cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh trong khu vực.

Cụ thể, Mark J.Valencia cho rằng: “Đối với Trung Quốc, từ lịch sử thì Biển Đông có thể là khu vực dễ bị tiếp cận bởi các nước phương Tây, vốn tìm cách kiểm soát và đô hộ Trung Quốc”. Chính vì thế, Bắc Kinh đang tăng cường năng lực thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) nhằm đảm bảo an toàn trước nguy cơ bị phương Tây “tấn công phủ đầu”. Lời ngụy biện này của ông Mark J.Valencia nhằm cho rằng Trung Quốc chỉ đang “phòng thủ” các nguy cơ từ phương Tây tại Biển Đông. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những lời ngụy biện nhằm bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý và việc làm sai trái ở Biển Đông.

Còn nhớ, khi đơn phương vạch ra “đường 9 đoạn” - một yêu sách chủ quyền phi lý chiếm tới 80% diện tích Biển Đông - Trung Quốc đưa ra lập luận “vùng nước lịch sử”. Cũng có lúc Trung Quốc đưa ra cái gọi là “bằng chứng lịch sử”, cho rằng Trung Quốc đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước. Theo ý kiến này, các đảo ở Biển Đông từng được ghi trong tài liệu của nhà Tống vào thế kỷ 13, hay xuất hiện trong ghi chép về các chuyến đi của nhà thám hiểm Trịnh Hòa người Trung Quốc, cũng như được đánh dấu trong bản đồ của nhà Thanh năm 1810. Hay như trong Văn kiện lập trường mà Trung Quốc đệ trình lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay năm 2014 trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên của các quần đảo ở Biển Đông và là nước đầu tiên liên tục thực hiện quyền chủ quyền đối với chúng”.

Khi bị cáo buộc tiến hành những hoạt động tôn tạo trái phép các đá ở Trường Sa, Trung Quốc lại biện bạch rằng, đó là hoạt động nhằm “thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống và khắc phục thiên tai, hoạt động nghiên cứu và khoa học biển”. Đồng thời việc xây dựng này để Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển, phục vụ cho các hoạt động phòng thủ quân sự cần thiết”. Thậm chí, có những đại diện của Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo hay bảo vệ “vùng biển mở” là “nhu cầu phát triển quốc gia” của Trung Quốc.

Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này nhằm định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Thay vì coi là khu vực hàng hải “xa bờ” như trước đây, vùng biển này nay được gọi là “gần bờ”. Sự thay đổi thuật ngữ này có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Khái niệm mới “gần bờ” sẽ khiến dư luận nhầm hiểu rằng, vùng biển này là của Trung Quốc.

Các hoạt động nhằm hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi pháp

Thực chất, những việc làm trên của Trung Quốc là nhằm che giấu tham vọng độc chiếm Biển Đông mà Bắc Kinh tiến hành một cách có hệ thống trong suốt thời gian qua.

Còn nhớ hồi năm 2016, trong cuộc gặp ở Washington, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ lo ngại về tình trạng cải tạo các đá và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa “không nhắm vào hay tác động tới một quốc gia nào và cũng không có ý định quân sự hóa”. Thực tế diễn ra không như lời hứa. Kể từ cuối năm 2013, các tàu nạo vét Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Subi thành các đảo nhân tạo. Từ đầu năm 2017, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm các đường băng dài hơn 3.000m, nhà để máy bay và tên lửa, các cơ sở radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, các cầu cảng nước sâu… Trong giai đoạn 3, Trung Quốc cho triển khai các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo. Bao gồm đưa máy bay chiến đấu J-11B, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có tầm bắn gần 500km và tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 250km, thiết lập các thiết bị phá sóng… Các bệ phóng tên lửa cũng được triển khai đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Từ góc độ quân sự, các sân bay trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ cho phép máy bay của Trung Quốc tiếp liệu, sửa chữa và tiếp vũ khí khi cần thiết mà không cần phải vượt qua quãng đường gần 1.000km về căn cứ gần nhất ở đảo Hải Nam. Các máy bay của Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng được triển khai trong trường hợp nổ ra xung đột. Trong trường hợp Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại toàn bộ hoặc một phần không phận trên Biển Đông, các sân bay trên sẽ là nơi phục vụ hoạt động tuần tra, răn đe hoặc thậm chí là tấn công của quân đội Trung Quốc.

Cùng với việc tôn tạo trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc còn đưa tàu khảo sát vi phạm vùng đặc quyền kinh tế mà thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Philippines. Áp dụng chiến thuật “tằm ăn rỗi”, Trung Quốc cho hàng trăm tàu hải giám và tàu dân quân biển tràn xuống Trường Sa hoạt động hàng tháng trời, xâm phạm vào vùng biển của các nước trong khu vực. Ngoài ra, hằng năm, Trung Quốc còn đơn phương áp đặt lệnh đánh bắt cá. Mục đích của các hoạt động trên là nhằm thể hiện trên thực tế quyền lực của Bắc Kinh, từng bước hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền với các vùng biển và thềm lục địa nằm trong “đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.