Giao thông Hà Nội

Lấy lại niềm tin của nhân dân

ANTĐ - Bằng nhiều biện pháp từ đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi chính sách quản lý đến tuyên truyền người dân, bộ mặt giao thông Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét. Số vụ TNGT giảm sâu 3 năm liên tục, số điểm ùn tắc giao thông dần giảm. Theo đánh giá, từ nỗi ám ảnh của người dân, giao thông Thủ đô đã dần lấy lại được niềm tin.

Lấy lại niềm tin của nhân dân ảnh 1
Các cầu vượt ở Hà Nội là giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc giao thông
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Sở GTVT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, như đưa vào sử dụng 7 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại những nút giao thường xuyên ùn tắc; hoàn thành dứt điểm và đưa vào sử dụng khai thác 30 công trình giao thông quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, trên địa bàn TP đã giảm số điểm ùn tắc từ 124 điểm (năm 2011) còn 29 điểm năm 2013, trong đó phát sinh mới 8 điểm. Đặc biệt, TNGT từ năm 2011 đến nay đều giảm liên tục trên cả 3 tiêu chí. Số liệu 3 tháng đầu năm 2014 cho thấy, toàn TP xảy ra 141 vụ, làm 148 người chết, 43 người bị thương. So với cùng kỳ, giảm 49 vụ TNGT, giảm 6 người chết và 15 người bị thương. 

Vận tải hành khách công cộng cũng được đầu tư. Lượng vận chuyển hành khách công cộng các loại ước đạt gần 700 triệu lượt, đáp ứng 13% nhu cầu đi lại của nhân dân.Vận tải khách liên tỉnh cũng được tổ chức sắp xếp lại luồng tuyến cho phù hợp.

Đánh giá về biến chuyển của giao thông Thủ đô trong những năm qua, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, giao thông Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trên các mặt, từ ùn tắc giao thông đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hàng loạt cầu vượt nhẹ được đưa vào khai thác, TNGT giảm sâu trên cả ba  tiêu chí.  

Tại buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội chiều qua 26-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhìn nhận, bộ mặt giao thông Thủ đô đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên, từ đầu tư kết cấu hạ tầng tới công tác đảm bảo ATGT. “Một sự chuyển biến tích cực được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận. Trước đây, cứ nói đến giao thông khu vực nội đô Hà Nội là nỗi ám ảnh của người dân,  nhưng nay đã thấy được sự cải thiện rõ rệt. Đây là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội và các ngành liên quan. Thay đổi giao thông Hà Nội góp phần cải thiện bộ mặt giao thông trên cả nước, lấy lại niềm tin của nhân dân vào ngành GTVT”, ông Đinh La Thăng bày tỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại như chậm trễ GPMB khiến một số dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn đầu tư. Hơn nữa, dù TNGT giảm trên 3 tiêu chí trong 3 năm nhưng việc giảm còn mong manh. Bởi vậy, theo ông Đinh La Thăng, để giải quyết ùn tắc và giảm TNGT bền vững phải làm sự đồng bộ, từ hoàn thiện hệ thống, thể chế đến đầu tư hạ tầng giao thông, công tác tuyên truyền tới từng người dân, việc tổ chức giao thông, tuần tra kiểm soát ....

“Nếu không có sự đồng bộ và quyết liệt thì lúc nào chúng ta cũng lo ngay ngáy vấn đề TNGT, rồi ùn tắc giao thông, giảm được điểm này thì lại phát sinh điểm mới”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh trên địa bàn TP cũng còn quá chậm, đặc biệt là đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe. Theo ông Đinh La Thăng, Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vì lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn chậm. 

Để tránh tình trạng không quản được thì cấm cũng như thay đổi chính sách nhiều lần, ông Đinh La Thăng chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT phối hợp với Sở GTVT Hà Nội trong các chính sách quản lý. Quản lý phải theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.