- Đánh mất thiên đường du lịch
- Sau vụ máy bay rơi, Nga ngừng tất cả chuyến bay tới Ai Cập
- Ai Cập: An ninh sân bay yếu kém, khách du lịch... bỏ chạy
Vắng khách, nhân viên khách sạn ven biển Taba, Ai Cập bảo trì và tu sửa các hạng mục
3 vòng an ninh có trang bị súng máy
Chuyên gia an ninh Mohab Bakr nhìn một lượt camera giám sát, xem báo cáo cập nhật về tình hình công việc mà máy dò bom đang thực hiện. Ông đã sẵn sàng cho cuộc họp quan trọng nhất trong ngày, cuộc họp với các nhà quản lý của khu nghỉ dưỡng Taba Heights bên bờ biển Ai Cập, trong đó Bakr là người phụ trách về an ninh.
Cuộc họp này có sự tham dự của ông Joachim Schmitt, Phó Chủ tịch Orascom - tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, trong đó có Taba Heights. Tập đoàn này có 25 cơ sở với gần 15.000 giường đặt ở khu vực sông Nile và Biển Đỏ. Những bất ổn sau sự kiện lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011 cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố đã khiến giá cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Thụy Sỹ này có thời điểm sụt giảm thê thảm, từ 150 franc xuống còn chưa đầy 10 franc Thụy Sĩ. Quản lý cấp cao của tập đoàn đã được cử đến Taba để xem xét về tình hình an ninh ở thời điểm khó khăn này.
Khu vực mà ông Bakr phụ trách giám sát rất rộng lớn, rộng đến 4 triệu m2, tương đương 616 sân bóng đá. Người ta phải thiết lập 3 vành đai an ninh bao quanh khu nghỉ dưỡng vốn có sân golf riêng, trung tâm mua sắm và cả bệnh viện. Con đường chính của khu nghỉ dưỡng nối với Taba - thị trấn biên giới Ai Cập-Israel được bảo đảm bằng tiền đồn quân sự kiên cố với súng máy và bao cát. Các lối vào chính của khu nghỉ mát được cảnh sát và đội ngũ an ninh do ông Bakr chỉ huy, lực lượng này khoảng 100 người. Mỗi xe vào đây đều phải kiểm tra an ninh, soi gầm bằng gương và chó nghiệp vụ ngửi bom, kể cả đội ngũ bảo vệ cũng không ngoại lệ.
Trang web của Bộ Ngoại giao Đức khuyến cáo du lịch đến Ai Cập: “Việc đi du lịch tới phía Bắc bán đảo Sinai và khu vực biên giới Ai Cập-Israel không được khuyến khích mạnh mẽ”. Bakr nói rằng ông đánh giá cao “những quan ngại nhất định đối với khách du lịch” nhưng đáng buồn là các hãng hàng không không còn bay tới địa danh du lịch nổi tiếng Ai Cập Sharm el-Sheikh, và vì thế chỉ còn một trong số các khách sạn của khu Taba Heights hoạt động.
Đầu tư mạnh để đón du khách trở lại
Chỉ tay trên bản đồ, chuyên gia an ninh Mohab Bakr phân tích: Bán đảo Sinai có diện tích 61.000km2, còn ở góc bên phải phía trên giáp ranh với dải Gaza, đó là nơi thực sự nguy hiểm, rộng chừng 800km2.
Nói như vậy không có nghĩa Sinai là vùng nằm ngoài nguy hiểm. Khu vực này từng xảy ra tấn công khủng bố hồi tháng 2-2014 khiến 4 người thiệt mạng, chưa kể vụ đánh bom ở Dahab năm 2006 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người. Đáng chú ý hơn cả, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng thành lập một nhánh gọi là “tỉnh Sinai”. Vị cựu sĩ quan liên lạc trên bán đảo Sinai này vẫn duy trì liên lạc với người Israel, quân đội đa quốc gia và người Palestine.
Trong cuộc họp với ông Joachim Schmitt, người phụ trách an ninh Bakr cho biết, 40 chiếc camera giám sát mới lắp đặt đã hoàn thành việc kéo cáp. Ông Mohab Bakr còn báo cáo về những chiếc máy dò bom mới mua. Đó là hàng của Nga, đắt tiền nhưng hiệu quả. Chuyên gia này đề nghị đặt máy dò ngay tại lối vào thay thế chó nghiệp vụ bởi làm việc tại đây, máy móc không cần phải nghỉ ngơi. Hạng mục đầu tư này dần dần có thể bù đắp được nếu lượng du khách quay trở lại nhiều hơn.
Mối lo ngại khủng bố khiến cho ngành du lịch thế giới phân chia thành 2 mảng trái ngược, trong khi Tây Ban Nha, Đức, Hy Lạp và Italia thu về lợi nhuận đáng kể thì các địa danh lừng lẫy một thời như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Tunisia và Morocco, từ công ty sở hữu gia đình nhỏ đến chuỗi khách sạn lớn đều lâm vào cảnh sống lay lắt. Ông Mohab Bakr tâm sự, mong ước lớn nhất của ông là du khách cảm thấy an toàn khi đến với Ai Cập. Ông muốn thấy du khách Pháp, Thụy Sĩ và Đức lại tấp nập đến với các khách sạn, các rạn san hô và nước biển xanh thẳm quê hương ông.