Lập luận của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông yếu ớt và phi lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tục tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi bắn tên lửa đạn đạo diệt hạm ra Biển Đông đang khiến tình hình vùng biển này căng thẳng. Trong khi đó, những lập luận mà Trung Quốc đưa ra bảo vệ cho hành động của mình lại rất yếu ớt về mặt pháp lý.
Khu trục hạm USS Mustin thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa

Khu trục hạm USS Mustin thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa

Những việc làm trái với luật pháp và cam kết quốc tế

Căn cứ vào tọa độ “khu vực cấm tàu bè ra vào” mà Trung Quốc công bố, khu vực tập trận lần này từ ngày 24 đến hết ngày 29-8 bao phủ một số thực thể của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không những không chấp nhận thực tế đó, lâu nay Trung Quốc luôn dựa vào khái niệm “quyền lịch sử” để bảo vệ yêu sách “Đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp đó, Bắc Kinh lại đưa ra lập luận rằng các quần đảo này phải có vùng đặc quyền kinh tế, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực. Mới đây nhất, Trung Quốc còn thay đổi thuật ngữ trong quy định hàng hải, định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là vùng biển “gần bờ”. Khái niệm mới “gần bờ” sẽ khiến dư luận nhầm hiểu rằng vùng biển này là của Trung Quốc.

Tất nhiên, những việc làm của Trung Quốc đều không được các nước thừa nhận bởi nó vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rõ ràng bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố. Tòa Trọng tài cũng đã phán quyết rằng, tất cả các cấu trúc nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Nhìn từ góc độ các cam kết trong khu vực, việc Trung Quốc tiến hành tập trận và bắn tên lửa đạn đạo trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đã vi phạm cam kết của Bắc Kinh với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002. Điều 5 của DOC đã nêu rõ “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định…”.

Việc làm của Trung Quốc cũng không tuân thủ Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết năm 2011. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển phải nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây, nghĩa vụ không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp đã được nhắc lại nhiều lần.

Mỹ tỏ ra cứng rắn trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc

Những hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đương nhiên gặp phải sự phản ứng của dư luận. Ngày 13-7-2020, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”. Ông Mike Pompeo khẳng định quan điểm của Chính phủ Mỹ là “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Đông là đế chế trên biển của mình”.

Mới đây nhất, ngày 29-8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã gọi các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch” và bị “tất cả nước lớn bác bỏ”. Liên quan đến việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông, trong đó có tên lửa được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, ông Robert O’Brien khẳng định Mỹ sẽ không từ bỏ nguyên tắc lâu nay của nước này là xem các vùng biển và không phận quốc tế là những khu vực tự do lưu thông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc khi cho rằng “việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là đi ngược lại với những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng và duy trì sự ổn định”. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hành động của Trung Quốc “đã đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông và tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

Không chỉ đưa ra các tuyên bố, thời gian gần đây, Mỹ liên tục các có hành động trên thực tế nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trong một động thái được xem là sự thay đổi khác với thái độ trước đây, ngày 26-8 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 24 công ty và các cá nhân Trung Quốc dính líu tới việc cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông.

Theo tờ New York Times, việc trừng phạt sẽ đặt dấu chấm hết cơ hội cho các công ty này mua các công nghệ và mọi sản phẩm khác xuất xứ Mỹ, từ chất bán dẫn đến cả bàn chải đánh răng cũng phải được sự đồng ý và phê duyệt trước.

Trên thực địa, Mỹ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhất là gần với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép, với tần suất ngày càng dày, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay. Ngay trong thời điểm Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông, Mỹ đã đưa máy bay trinh sát U-2 di chuyển qua vùng cấm bay do Bắc Kinh đặt ra.

Quân đội Mỹ cho biết chuyến bay của máy bay trinh sát U-2 được thực hiện “phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế”, đồng thời tuyên bố không quân Mỹ sẽ tiếp tục “hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép” với thời gian và tần suất do Mỹ tự quyết định.

Chỉ một ngày sau khi Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo ra Biển Đông, hải quân Mỹ đã điều khu trục hạm USS Mustin trang bị tên lửa dẫn đường tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ngang qua vùng biển Hoàng Sa. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mà USS Mustin thực hiện nhằm “thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa”.