Trung Quốc bắn tên lửa khiến Biển Đông dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tiếp phóng 4 quả tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không chỉ đặt ra nghi vấn về cam kết của Bắc Kinh trong việc tránh các hành động mang tính khiêu khích, mà còn cho thấy rõ hơn tính toán lâu dài của nước này dùng vũ lực độc chiếm Biển Đông.
Tàu khu trục USS Mustin vừa tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa

Tàu khu trục USS Mustin vừa tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa

Công cụ sức mạnh để áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông

Theo tờ South China Morning Post, một quả tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở tây-bắc Trung Quốc, trong khi 1 tên lửa DF-21D khác được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông tới. Các tên lửa này đã rơi xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Trong khi đó, nguồn tin của Mỹ khẳng định có 4 quả tên lửa được phóng đi.

Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ phái máy bay do thám U-2 bay vào khu vực Trung Quốc đang tiến hành diễn tập ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa khiến người ta nghĩ rằng đây là phản ứng của Trung Quốc với hành động mà Bắc Kinh coi là “khiêu khích” của Washington. Tuy nhiên, việc Trung Quốc lại sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu để răn đe máy bay do thám có trần bay tới trên 21.000m là điều bất thường khiến dư luận đặc biệt chú ý.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động quân sự trên Biển Đông, mà gần đây nhất là cuộc tập trận đang diễn ra ở Hoàng Sa từ 24 đến 29-8. Bằng việc cấm các vùng biển đang tranh chấp để tiến hành tập trận, Trung Quốc hướng tới mục tiêu từng bước khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, gây bất lợi cho các nước láng giềng trong khu vực.

Công cụ thực hiện mục tiêu đó đương nhiên là sức mạnh, trong đó các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26B và DF-21D có vai trò quan trọng. Trình làng lần đầu trong cuộc diễu binh năm 2015 kỷ niệm ngày chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, tên lửa DF-26 (hay còn gọi là Đông Phong-26) được chính thức đưa vào biên chế tháng 4-2018. Với tầm bắn 4.000 km và có thể mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn thông thường, tiêu diệt cả mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển, DF-26 được Trung Quốc ca ngợi là “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Trong khi đó tên lửa DF-21 (hay còn gọi là Đông Phong -21) là tên lửa đạn đạo tầm trung mang một đầu đạn. DF-21 được hoàn thành giữa thập niên 80 sau gần 20 năm phát triển, tuy nhiên đến đầu thập niên 90 mới được triển khai. Sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hai tầng, tên lửa DF-21D có tầm bắn 1.800 km, được trang bị đầu đạn chuyên dùng để chống tàu. Đây là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.

Với sự xuất hiện của DF-26B và DF-21D, các tàu sân bay của Mỹ hoạt động trên Biển Đông sẽ phải đối mặt với nguy cơ khá lớn. Vụ phóng tên lửa ra Hoàng Sa vừa rồi trước hết nhằm tỏ thái độ phản ứng với Mỹ, nhưng quan trọng hơn là đánh giá khả năng tác chiến thực sự của các loại tên lửa trên trong một cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các tàu chiến Mỹ.

Lâu nay, Mỹ luôn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, đồng thời thách thức tuyên bố đó bằng việc tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nếu đẩy được Mỹ khỏi vùng biển này, Bắc Kinh sẽ dễ dàng áp đặt yêu sách của mình với các nước khác bằng sức mạnh vượt trội.

Hiệu quả thực tế các tên lửa của Trung Quốc còn là câu hỏi

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận và bắn tên lửa đạn đạo trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông khiến dư luận hết sức lo ngại. Trước hết, hành động này khiến người ta nghi ngờ về cam kết của Bắc Kinh với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002. Điều 5 của DOC đã nêu rõ “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định…”.

Không những thế, việc làm gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông đương nhiên không tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Nó không những chứng tỏ Bắc Kinh không thiện chí với COC, mà còn đẩy tiến trình đàm phán COC vào thế bế tắc kéo dài.

Chính vì thế, hành động của Trung Quốc gặp phải sự phản ứng của dư luận. Trong thông cáo được phát rạng sáng 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định. Các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả các vụ thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông”.

Trước thông tin Trung Quốc phóng một số tên lửa đạn đạo vào Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi nêu rõ Nhật Bản bày tỏ quan ngại về các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và đang theo dõi tình hình một cách thận trọng. Ông Motegi nhấn mạnh phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và kiên trì ủng hộ nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển.

Mặc dù Trung Quốc khuếch trương sức mạnh bằng việc bắn tên lửa DF-26B và DF-21D, nhưng theo các nhà nghiên cứu quân sự, hiệu quả trên thực tế của các tên lửa này còn là câu hỏi. Ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ, phân tích: “Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh DF-21 hay DF-26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay. Để tác chiến hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều khí tài, từ máy bay hỗ trợ đến tàu chiến nhằm đảm bảo khả năng chỉ huy, kiểm soát, kết nối…”.

Trên thực tế, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc bắn tên lửa, trong một thông cáo riêng rạng sáng 28-8, Hạm đội 7 Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã tiến hành hoạt động “bảo đảm tự do hàng hải” ở quần đảo Hoàng Sa. Còn Phó đô đốc Scott Conn, chỉ huy Hạm đội 3 hải quân Mỹ, thì khẳng định: “Hải quân Mỹ sẽ sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào đặt ra cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực”. Ông Scott Conn cho biết: “Chúng tôi có 38 tàu chiến ở khu vực và sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép nhằm thể hiện cam kết của chúng tôi về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, đảm bảo cho các đồng minh và các đối tác của chúng tôi yên lòng”.