"Lằn ranh đỏ" hạt nhân

ANTD.VN - Triều Tiên đã bước qua “lằn ranh đỏ” khi tiến hành thử nghiệm bom H. có sức hủy diệt ghê gớm, trong khi cộng đồng quốc tế đang để ngỏ các biện pháp nhằm đối phó với bước leo thang “đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình khu vực” này.

"Lằn ranh đỏ" hạt nhân ảnh 1Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp sau khi Triều Tiên thử thành công bom H. - thứ vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp bậc nhất

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 4-9 phải tiến hành họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất của cộng đồng quốc tế về duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu đã từng nhiều lần họp về vấn đề Triều Tiên, song cuộc họp này đặc biệt quan trọng bởi nó được triệu tập ngay sau khi Bình Nhưỡng thử thành công bom H. - thứ vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp bậc nhất trong kho vũ khí của nhân loại cho tới thời điểm hiện nay.

Quả bom mà Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử nghiệm thành công ngày 3-9 được xác định có sức công phá lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8-1945 khiến khoảng 74.000 người thiệt mạng. Đây được xem là bước tiến rất quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bởi đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên thử nghiệm đã thu nhỏ tới mức có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).  

Triều Tiên đạt được bước phát triển mang tính đột phá của chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, song xem ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại không có nhiều giải pháp để có thể đối phó hữu hiệu. Vụ thử hạt nhân mới nhất ngày 3-9 là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên kể từ sau vụ thử đầu tiên năm 2006, nhưng giải pháp duy nhất của cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc vẫn chỉ là lên án và siết chặt thêm lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mọi sự chỉ trích, lên án và trừng phạt kinh tế đều chưa đủ để buộc Triều Tiên phải lùi bước trên con đường trở thành một quốc gia sở hữu hạt nhân. Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bắt đầu từ đêm ngày 4-9 theo giờ Việt Nam khó có thể đưa ra biện pháp nào mạnh hơn một đòn trừng phạt kinh tế bởi hai cường quốc có quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc dù đồng quan điểm rằng vụ thử bom H. của Bình Nhưỡng là “một mối đe dọa đối với hòa bình”, song vẫn kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh tới giải pháp hòa bình. 

Phản ứng dữ dội nhất, đồng thời tỏ ra cứng rắn nhất với vụ “khiêu khích hạt nhân” của Triều Tiên không ai khác vẫn là Mỹ cùng các đồng minh của họ ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mạnh mẽ khẳng định rằng, dùng “khả năng hạt nhân và ngoại giao” để bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản.

Trong khi Tổng thống Donald Trump nói: “Hãy chờ xem” khi được hỏi liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên hay không thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố thẳng trước Nhà Trắng rằng, Washington sẽ bị đáp trả bằng “phản ứng quân sự dữ dội - một đòn đáp trả có hiệu quả và áp đảo” nếu lãnh thổ Mỹ và đồng minh bị đe dọa, đồng thời đe dọa Mỹ “có nhiều phương án để hủy diệt Triều Tiên”. Hàn Quốc sau khi cho biết nghiên cứu phương án tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu cuộc tập trận tên lửa tầm xa không đối đất và tên lửa đạn đạo tầm xa từ ngày 4-9 với mục tiêu giả định là nơi Triều Tiên thử hạt nhân.

Trước đó, khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc từng tuyên bố Bình Nhưỡng không được vượt qua “lằn ranh đỏ” là tiến hành thử hạt nhân. Nay, Triều Tiên không những vượt qua “lằn ranh đỏ” mà còn vượt xa khi thử bom H. - loại vũ khí hủy diệt có sức công phá mạnh hơn rất nhiều so với bom hạt nhân. Đông Bắc Á như “nín thở” chờ “kịch bản” mà Mỹ và đồng minh dùng để đối phó với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bước qua “lằn ranh đỏ” nguy hiểm.