Làm thế nào để hàng Việt "lên kệ" siêu thị nước ngoài?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, có nhiều cơ hội cho hàng Việt, đặc biệt là nông sản vào kênh phân phối nước ngoài nhưng các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có thế mạnh.
Vải thiều Việt Nam trong siêu thị tại Pháp

Vải thiều Việt Nam trong siêu thị tại Pháp

Theo ông Tạ Hoàng Linh, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương về vai trò của các kênh phân phối nước ngoài ngày càng sâu sắc thêm và kênh phân phối nước ngoài ngày càng được đánh giá cao, được coi là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách có hiệu quả.

Với hơn 60 thương vụ ở các nước trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tham mưu, hướng dẫn chiến lược việc tiếp cận thị trường đồng thời thông tin, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống thu mua và phân phối nước ngoài.

Tuy nhiên, để xuất khẩu nhiều hơn, theo ông Tạ Hoàng Linh, các địa phương cần phát huy vai trò, tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn một số thị trường thực sự có tiềm năng và tập trung vào một số doanh nghiệp đầu tàu để từ đó làm động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.

Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Thông qua các kênh phân phối lớn, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã lên kệ các siêu thị lớn tại Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan... Hàng hóa được bày bán đều là nông sản nổi tiếng của Việt Nam như: vải thiều, thanh long, chuối, nước mắm... và tuân thủ nghiêm thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng.

Ông Shiotani- Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, trước đây, AEON chủ yếu nhập khẩu mặt hàng chuối tươi từ Philippine (sản lượng nhập khẩu 70%) cho hệ thống phân phối của tập đoàn này, do chuối nhập từ Philippines có chất lượng ổn định và duy trì được sản lượng.

Nhưng từ năm 2022, AEON bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối của Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác.

Theo đại diện AEON, bên cạnh những lý do về chất lượng, giá cả, công ty sản xuất chuối xuất khẩu của Việt Nam có mô hình sản xuất tuần hoàn, ngoài trồng chuối họ có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0.

"Trong quá khứ, khi nói tới yếu tố hàng nhập khẩu, chúng ta tập trung vào giá cả, chất lượng và chuỗi cung ứng. Nhưng hiện tại và trong tương lai tới, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của chúng tôi và cả thế giới đã thay đổi. Đó là việc nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không"- ông Shiotani nói.

Đồng quan điểm này, ông Aly Ansari, Giám đốc cao cấp phụ trách nguồn cung, Tập đoàn Walmart Hoa Kỳ cũng cho hay, Walmart luôn chú trọng những yếu tố cạnh tranh về chất lượng, giá cả, nâng cao tay nghề công nhân và giá trị bền vững.

Walmart kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.