Làm sao để biết mình có bỗng dưng dính nợ xấu "oan" hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Check” CIC là biện pháp giúp khách hàng kiểm tra được thông tin về tín dụng của mình, như: đang vay vốn ở đâu, có trả chậm không, thời gian trả chậm là bao nhiêu ngày, điểm tín dụng cá nhân…

Thời gian qua, nhiều khách hàng tá hỏa vì khi làm các thủ tục hành chính mới phát hiện mình bỗng dưng dính nợ xấu của ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Như trường hợp Nguyễn Ngọc Q (Hà Nội), khi ra ngân hàng để làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng, bất ngờ được phía ngân hàng thông báo, trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) anh đang có một khoản nợ xấu tại một công ty tài chính. Liên lạc với công ty tài chính trên, anh Q được biết đúng là số chứng minh nhân dân của anh đang có khoản vay phát sinh tại công ty này.

Đáng nói, khoản nợ xấu của anh Q đã bị lưu giữ trên CIC từ năm 2019 nhưng anh không hề hay biết.

Đây không phải trường hợp hiếm gặp, vì thời gian gần đây, rất nhiều tội phạm sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thủ tục vay tiền, mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng, công ty tài chính. Điều này dẫn đến nhiều khách hàng dính nợ xấu "oan", bị lưu thông tin trên CIC. Chỉ khi làm thủ tục vay vốn, mở thẻ, khi được tổ chức tín dụng tra thông tin CIC, khách hàng mới phát hiện.

Chủ động kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC là cách đơn giản để biết mình có bị nợ xấu hay không

Chủ động kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC là cách đơn giản để biết mình có bị nợ xấu hay không

Tuy nhiên, thực tế, nếu có nhu cầu, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC để biết mình có dính nợ xấu hay không.

Theo đó, khách hàng cần đăng ký tài khoản lần đầu trên website của CIC bằng cách cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại... Cùng với đó, là ảnh chứng minh thư hai mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân cầm chứng minh thư để CIC định danh người đăng ký. Việc nhớ hoặc lấy số CMND của người khác thì không cấp được tài khoản đăng nhập.

Sau một đến vài ngày làm việc để CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số chứng minh nhân dân, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Lúc này bạn có thể đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Báo cáo này đang được khai thác miễn phí.

Việc kiểm tra thông tin CIC sẽ giúp khách hàng nắm được các thông tin tín dụng của mình, như: vay vốn tại ngân hàng nào, có trả chậm không, thời gian trả chậm là bao nhiêu ngày, điểm tín dụng cá nhân…

Trong trường hợp xác định là bị nhầm nợ xấu (trùng tên, trùng CMND, trùng địa chỉ...) khách hàng cần có đơn đề nghị chính tổ chức tín dụng đã ghi nhận nợ xấu chỉnh sửa lại thông tin tín dụng của mình.

Căn cứ trên đề nghị của tổ chức tín dụng ghi nhận nợ, CIC sẽ chỉnh sửa thông tin tín dụng của khách hàng/tổ chức.

Ngoài việc “check” thông tin tín dụng trên CIC, khách có tài khoản trên CIC khi muốn vay vốn một ngân hàng bất kỳ nào đó có thể đăng ký nhu cầu vay vốn (miễn phí) trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC. Dựa trên đăng ký vay vốn của khách hàng các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận và xem xét nhu cầu vay vốn của khách hàng một cách nhanh chóng. Việc các tổ chức tín dụng có thể “check” thông tin CIC của khách hàng cũng sẽ loại trừ khả năng có ai đáo mạo danh vay vốn.