Làm gì khi chuyển khoản nhầm nhưng không liên lạc được với người nhận?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Khi chuyển khoản nhầm, có nhiều trường hợp bất khả kháng như không liên lạc được, người nhận nhầm đã đi nước ngoài hoặc người nhận nhầm đã mất… việc giải quyết trở nên phức tạp.

Dịch Covid-19 khiến giao dịch ngân hàng điện tử gia tăng thay vì giao dịch trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại gặp rắc rối khi không may chuyển khoản nhầm sang tài khoản khác.

Hiện nay, trách nhiệm của ngân hàng có tài khoản nhận nhầm và tài khoản của người chuyển nhầm đã được quy định cụ thể tại Mục 2 – Điều 33 – Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Cụ thể như sau:

Trách nhiệm của ngân hàng có tài khoản của người chuyển nhầm và tài khoản của người nhận nhầm (Nguồn: Vietcombank)

Trách nhiệm của ngân hàng có tài khoản của người chuyển nhầm và tài khoản của người nhận nhầm (Nguồn: Vietcombank)

Một cách dễ hiểu, căn cứ vào yêu cầu của người chuyển, ngân hàng đầu chuyển sẽ gửi yêu cầu hủy giao dịch sang cho ngân hàng đầu nhận. Ngân hàng đầu nhận sẽ làm việc với người nhận được tiền.

Nếu người nhận tiền đồng ý trả lại và đảm bảo có đủ tiền để trả lại, ngân hàng đầu nhận sẽ hoàn trả lại tiền cho ngân hàng đầu chuyển. Nếu người nhận tiền không đồng ý trả lại, hoặc không liên hệ được với người hưởng, tài khoản người nhận không có đủ tiền để hoàn lại, ngân hàng nhận sẽ thông báo lại cho ngân hàng chuyển để thông tin tới người chuyển.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bất khả kháng như không liên lạc được, người nhận nhầm đã đi nước ngoài hoặc người nhận nhầm đã mất… việc giải quyết trở nên phức tạp hơn.

Trong khuyến cáo gửi tới khách hàng mới đây, Ngân hàng Vietcombank cho biết, trong các trường hợp này, Ngân hàng sẽ hỗ trợ liên hệ tối đa trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu hoàn trả.

Sau thời gian này, Ngân hàng ngừng hỗ trợ và lập thông báo phản hồi lại cho khách hàng là người chuyển nhầm nếu khách hàng là chủ tài khoản tại Ngân hàng hoặc ngân hàng người chuyển nhầm để họ thông báo cho người chuyển nhầm mở tại ngân hàng họ.

Trong trường hợp người nhận nhầm không hoàn trả, Ngân hàng có thể hướng dẫn khách hàng là chủ tài khoản thực hiện các thủ tục khởi kiện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 599 luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó, nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”

Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.