Thanh toán điện tử “lên ngôi”, ngân hàng tăng phòng ngừa rủi ro phía người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù các ngân hàng đã đầu tư khá nhiều vào công tác bảo mật hệ thống thanh toán nhưng mới chỉ dừng ở khâu bảo mật hơn là chống gian lận.

Thanh toán điện tử lên ngôi

Theo các tổ chức tín dụng, thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quy mô giao dịch tại các kênh giao dịch của ngân hàng đã có sự biến động lớn.

Đơn cử như tại Vietcombank, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, trong năm 2021, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của Vietcombank tăng trưởng 62,5% về số lượng giao dịch và gần 30% về giá trị giao dịch so với năm 2020, tương ứng đạt khoảng 1,5 triệu giao dịch online bình quân/ngày.

Quy mô khách hàng sử dụng dịch vụ online của Vietcombank tăng trưởng 39% so với thời điểm cuối năm 2020; tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ online so với tổng số lượng khách hàng của Vietcombank đạt 36%.

Còn theo thống kê của Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS), tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm qua, trong quý 1/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quý I/2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021.

Theo bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay), Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bắt kịp xu hướng tiêu dùng không tiền mặt. Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người đang được cải thiện những năm gần đây...

Bên cạnh đó, tăng trưởng 2 con số hàng năm về doanh thu của thị trường thương mại điện tử, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng 4G đã làm giảm đáng kể chi phí internet di động, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có chi phí internet rẻ thứ 10 trên thế giới... Tất cả đều đang góp phần đưa tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng khởi sắc.

Thống kê cho thấy, chi tiêu trực tuyến đã gần chạm ngưỡng 25% tổng chi tiêu bán lẻ so với mức 15% trước đại dịch, con số này dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Thanh toán điện tử đang tăng mạnh mẽ

Thanh toán điện tử đang tăng mạnh mẽ

"Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế rõ nét trong kỷ nguyên số với việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến, góp phần đưa thanh toán dịch vụ công như điện/ nước, viện phí, học phí trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn ngay trên smartphone", ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định

Công tác an toàn, bảo mật phải đặt lên hàng đầu

Theo ông Lê Thanh Hà (Chi hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), để phát triển thị trường thanh toán lành mạnh thì công tác phòng rủi ro, an toàn, bảo mật được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã bám sát các tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu, tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện Chi hội Thẻ khuyến nghị, sau đại dịch có nhiều khách du lịch vào Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài. Do có sự giao thoa nên tình trạng thẻ giả, sao chép thông tin (skimming) để rút tiền tại ATM sẽ gia tăng.

Dù các ngân hàng đã nâng cao hệ thống, công nghệ bảo mật nhưng theo các chuyên gia, hiện nay, tội phạm không tập trung vào các cơ sở hạ tầng tài chính, mà nhắm vào người sử dụng - người dùng cuối và đó là lỗ hổng lớn nhất.

“Câu chuyện về an toàn không dùng tiền mặt phần lớn đều quy về người tiêu dùng. Đó là thực tế, nhưng chỉ nghĩ vậy thì rất khó cho người tiêu dùng và có thể khiến họ thấy mình không được an toàn”, ông Nguyễn Hải Minh, chuyên gia công nghệ tại Công ty Fivetech nói.

Dù rủi ro đang nằm phần nhiều ở người tiêu dùng nhưng theo ông Minh, các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử nên chuyển hướng từ khuyến cáo, nhắc nhở sang quan tâm bảo mật cho người dùng.

Tương tự, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho rằng, hiện nay các ngân hàng mới chú trọng bảo vệ dòng thanh toán ở phần hệ thống, nhưng gian lận thanh toán 80% đến từ người dùng cuối.

Thách thức lớn nhất hiện nay của ngân hàng là xác thực được giao dịch thực hiện bởi chủ tài khoản hay không phải chủ tài khoản. Trên các app ngân hàng đều có bảo mật theo chuẩn thế giới (iSecure) nhưng vẫn là quan tâm tới bảo mật nhiều hơn là chống gian lận. “Điều này chưa bao giờ là đủ trong giai đoạn hiện nay. Bởi có nhiều phần mềm có khả năng theo dõi màn hình điện thoại, nên bảo mật OTP cũng không phải hoàn toàn an toàn” – ông nói.

Theo ông Khanh, hiện nay các giải pháp công nghệ thông tin đều sử dụng AI, ML, DeepLearning cho chống gian lận thanh toán. Công nghệ này cho phép phát hiện ra những giao dịch ở “dark web” (tài khoản, CreditCard, mã nguồn, tài khoản người dùng cuối…); những đường link internet banking, tổng đài, app giả mạo cũng có thể bị phát hiện và cảnh báo.