Lãi suất nhiều loại ngoại tệ tăng mạnh

ANTĐ - Lãi suất huy động USD bị khống chế bởi mức trần 2%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, khiến việc huy động của ngân hàng không mấy dễ dàng. Trong bối cảnh ấy, lãi suất huy động ngoại tệ không phải USD đang có xu hướng tăng lên.
Lãi suất nhiều loại ngoại tệ tăng mạnh ảnh 1
Với kỳ hạn 12-24 tháng, khách hàng gửi EUR có thể nhận lãi suất lên tới 4%/năm


Cuộc đua mới?

Lâu nay, lãi suất các loại ngoại tệ khác USD (như EUR, CAD, AUD…) tại nhiều ngân hàng thường được niêm yết ở mức rất thấp (0,1 - 0,5%/năm), nhiều ngân hàng đã không thực hiện huy động các loại ngoại tệ này. Tuy nhiên, mới đây các ngân hàng đã đẩy mạnh lãi suất huy động các loại ngoại tệ lên tương đối cao, có kỳ hạn được hưởng lãi suất tới 4%/năm.

Mức lãi suất huy động EUR cao nhất trên thị trường hiện đang thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Với kỳ hạn 12-24 tháng, khách hàng sẽ được nhận lãi suất lên tới 4%/năm.  Ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất AUD là 3,8%/năm. Từ ngày 15-11, tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lãi suất huy động EUR cao nhất là 3%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng. So với các ngân hàng lớn, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có mức lãi suất huy động các loại ngoại tệ này cao hơn chút ít.

Không chỉ EUR, lãi suất tiết kiệm AUD cũng tăng mạnh, tại Eximbank hiện đã ở 3,5-3,7%/năm kỳ hạn ngắn 1-3 tháng; trong khi kỳ hạn 6,9 và 12 tháng là 3,8%/năm. Tương tự, tại SCB, lãi suất huy động AUD được công bố dao động 3,5-3,8%/năm ở các kỳ hạn 1-12 tháng… Trong khi đó, tại một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank… lãi suất huy động cao nhất đối với EUR chỉ là 0,5%/năm (Vietcombank) và 1,9%/năm (Techcombank). Các ngân hàng này không có biểu lãi suất tiền gửi đối với AUD, CAD.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở một số giao dịch lên tới trên 20%/năm thì việc các ngân hàng tăng lãi suất ngoại tệ không phải USD là một biện pháp “chữa cháy” thanh khoản. Biện pháp này ẩn chứa nhiều rủi ro.

Áp lực thanh khoản

Theo một chuyên gia phân tích tài chính độc lập, trong giai đoạn cuối năm các ngân hàng đang “đói vốn”, lãi suất tiền đồng, lãi suất USD đều bị khống chế bởi các mức trần do đó các ngân hàng này tìm mọi cách để hút tiền gửi bất kể là ngoại tệ gì. Sau đó, bằng cách nào đó họ chuyển đổi những ngoại tệ này về đồng USD. Các ngân hàng đi vay ngoại tệ, đồng nghĩa với việc phải trả bằng ngoại tệ. Hiện tại, USD vẫn là đồng tiền chủ đạo do đó mọi đồng tiền khác thay đổi đều tác động tới USD.

TS. Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, có thể do lãi suất tiết kiệm của tiền đồng và USD bị khống chế nên các ngân hàng chuyển sang huy động các loại ngoại tệ khác không bị khống chế trần lãi suất. Khi ngân hàng sử dụng các biện pháp hành chính để khống chế thì các ngân hàng sẽ bằng cách này hay cách khác để huy động được vốn gỡ khó cho thanh khoản.

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lại cho rằng, lãi suất ngoại tệ tăng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc tăng lãi suất mạnh đang diễn ra phổ biến đối với đồng tiền chung châu Âu do mối lo ngại đồng EUR đang đứng bên bờ vực. Thứ hai, bước vào tháng 11, bên cạnh việc USD trên thị trường ít đi do các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh nhu cầu xuất nhập khẩu thì các loại ngoại tệ khác cũng tương tự. Do khan hiếm, nên ngân hàng đẩy lãi suất để hút nguồn về. Đặc biệt, việc tăng lãi suất ngoại tệ gắn liền với tính thanh khoản của ngân hàng cuối năm.

“Việc tăng lãi suất này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc tăng tỷ giá cuối năm, tuy nhiên không đáng lo ngại. Bởi đây là áp lực chung đối với ngoại tệ trong chu kỳ năm. Do đồng USD vẫn chiếm vị trí số hàng đầu nên các loại ngoại tệ khác tăng chỉ tác động rất nhỏ đến tỷ giá cuối năm. Điều này minh chứng bằng việc, tỷ giá USD liên ngân hàng đã không đổi trong vòng 18 ngày lại đây” - ông Phong nhận định.