Lãi suất ngân hàng tiếp tục đà giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất ở cả chiều huy động lẫn cho vay.

Dồn dập hạ lãi suất huy động

Theo khảo sát, từ đầu tháng 8 đến nay, gần 30 ngân hàng tư nhân đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, đưa lãi suất cao nhất về vùng 7%/năm. Trong đó, từ ngày 18-8, BacABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ đồng loạt giảm 0,2 - 0,25 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng là 6,95%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, BacABank đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động, theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm khoảng 0,65%/năm.

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn ra nền kinh tế

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn ra nền kinh tế

Tương tự, VietABank cũng điều chỉnh giảm 0,1 - 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, áp dụng từ ngày 17-8. Theo đó, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 7%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây cũng là lần giảm lãi suất thứ 2 của VietABank kể từ đầu tháng 8. Tại Techcombank, biểu lãi suất mới từ ngày ngày 17-8 cũng đã giảm 0,1% ở hàng loạt kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này theo công bố chỉ còn 6,3%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng trở lên theo hình thức online và số tiền cũng phải từ 3 tỷ đồng trở lên.

Đối với Sacombank, cũng từ 17-8, lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 6,3%/năm; kỳ hạn 36 tháng cũng giảm 0,3 điểm % xuống 6,5%/năm. Một ngân hàng lớn khác là ACB cũng giảm sâu lãi suất cùng ngày, theo đó, mức lãi suất cao nhất cho hạn 6 - 12 tháng chỉ còn tối đa 6,2%/năm thay vì 6,4-6,5%/năm như trước đó, và nhà băng cũng chỉ áp dụng mức lãi suất này cho khách hàng gửi số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên. Trước đó, một loạt ngân hàng như BaoVietBank, VietBank, SeABank, Eximbank, VIB, MB, Standard Chartered cũng đã giảm lãi suất huy động từ đầu tuần.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank không điều chỉnh lãi suất trong vài tháng trở lại đây nhưng duy trì mức nền rất thấp, với mức tối đa 6,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 - 4% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nguyên nhân giảm lãi suất ngoài do NHNN hạ lãi suất điều hành, thì chủ yếu là vì các ngân hàng “thừa tiền” do doanh nghiệp khó khăn, không thể đẩy tín dụng.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của gần 40 ngân hàng thời điểm hiện tại cho thấy, sau đợt giảm này, hiện chỉ còn khoảng chục ngân hàng trả lãi suất từ 7%/năm trở lên cho người gửi tiền, như: VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank. Các ngân hàng còn lại đều niêm yết lãi suất dưới 7%/năm. Thậm chí, có những ngân hàng đưa lãi suất tối đa về chỉ còn 6%/năm như MSB, Eximbank… thấp hơn cả nhóm big4.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank không điều chỉnh lãi suất trong vài tháng trở lại đây nhưng duy trì mức nền rất thấp, với mức tối đa 6,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 - 4% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nguyên nhân giảm lãi suất ngoài do Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thì chủ yếu là vì các ngân hàng “thừa tiền” do doanh nghiệp khó khăn, không thể đẩy tín dụng.

Giảm lãi vay - cứu doanh nghiệp cũng là tự giúp ngân hàng

“Phấn đấu giảm lãi suất” là thông điệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh thời gian gần đây. Trong văn bản mới đây gửi các tổ chức tín dụng, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. NHNN yêu cầu việc giảm lãi suất áp dụng cho cả các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 trước ngày 25-8, đồng thời cũng phải báo cáo kết quả thực hiện các cam kết đó vào đầu năm 2024.

Thực hiện các chỉ đạo quyết liệt đó, hàng loạt các nhà băng đã tung ra các chương trình giảm lãi suất để kích cầu tín dụng. Dù mức giảm chậm hơn lãi suất huy động, song mặt bằng lãi cho vay đã giảm thấy rõ thời gian gần đây. Trong đó, nhóm big 4 ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đầu làn sóng giảm này với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi.

Đơn cử như Vietcombank đã triển khai tới 3 chương trình giảm lãi suất trong năm nay, với mức giảm 0,5%/năm áp dụng cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Agribank từ đầu năm đến nay cũng đã triển khai tới 6 lần giảm lãi suất. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm…

Không chỉ vậy, các ngân hàng tư nhân cũng tích cực vào cuộc. Đơn cử như Sacombank mới đây đã triển khai gói tín dụng hạn mức 11.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,2%/năm cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Còn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trung dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ô tô, có thể tiếp cận gói vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 9,5%/năm.

Ngân hàng này cũng dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn, bao gồm sản xuất nông nghiệp và vay tiêu dùng phục vụ đời sống như: mua, xây, sửa bất động sản... Lãi suất ưu đãi Sacombank áp dụng là từ 7,5%/năm với vay sản xuất kinh doanh và từ 9%/năm với vay tiêu dùng.

Hay BVBank cũng công bố dành gói vay ưu đãi quy mô 1.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất giảm đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm nay; đồng thời với gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân với quy mô 7.000 tỷ đồng cũng với mức giảm lên tới 2%/năm.

Trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay không chỉ là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà cũng chính là tự giúp các ngân hàng.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến lãi suất đầu vào và cho vay đều tăng lên, khách hàng có khả năng chống chịu thấp đi, nhu cầu sản xuất kinh doanh yếu khiến nợ xấu của toàn ngành tăng, chi phí rủi ro tăng mạnh. Từ đó, buộc các ngân hàng phải giảm nhanh chi phí, đồng thời tăng đầu tư công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả. “Khách hàng “khỏe mạnh” thì ngân hàng cũng không “xây xát” nên ngân hàng đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, giảm lãi suất” - lãnh đạo MB nhấn mạnh.

“Cơn gió ngược” của lãi suất

Việc nỗ lực giảm lãi suất đang là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá “nổi sóng” những ngày gần đây, khi bên cạnh xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường thế giới thì mức chênh lệch lãi suất VND và USD khiến tâm lý găm giữ ngoại tệ tăng cao. Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng cũng là một “cơn gió ngược” với nỗ lực giảm lãi suất. Dù vậy, điều này, theo các chuyên gia sẽ khó lung lay định hướng nới lỏng tiền tệ của NHNN.

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MBS, việc tăng tỷ giá sẽ khó có khả năng khiến NHNN đảo chiều chính sách, tuy nhiên sẽ khiến nhà điều hành thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. “Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed có động thái hạ lãi suất vào năm sau” - ông Hoàng Công Tuấn dự đoán.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng nhận định việc tỷ giá tăng sẽ chỉ mang tính thời điểm, hiện cung - cầu ngoại tệ nước ta cơ bản ổn định nên không cần quá lo lắng. Về sức ép đối với mặt bằng lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, thời điểm này việc giảm lãi suất điều hành là không cần thiết, điều chủ yếu là các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Thủ tướng đã chỉ đạo giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại đang quyết liệt triển khai, tất nhiên phải có độ trễ” - vị chuyên gia nói.