Lãi suất huy động liệu có tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số ngân hàng nhỏ có động thái tăng nhẹ lãi suất đối với tiền gửi online, tuy nhiên đây chỉ là diễn biến cục bộ. Mặt bằng chung, lãi suất vẫn sẽ trong xu hướng giảm từ nay đến cuối năm.

Ngân hàng nhỏ hút tiền gửi

Theo khảo sát của phóng viên, kể từ đầu tháng 9 cho tới nay, biểu lãi suất của 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank nhìn chung không đổi so với trước đó.

Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại big4 này là 5,6%/năm, tại VietinBank và được áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại 3 ngân hàng còn lại, mức lãi suất cao nhất chỉ là 5,5%/năm cho các kỳ hạn này.

Đối với tiền gửi dưới 12 tháng, lãi suất tại 4 nhà băng này không không có sự chênh lệch nhiều với mức 3,1-3,4%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng; 4%/năm cho kỳ hạn 6 – 9 tháng.

Trong khi đó, tại một số ngân hàng tầm nhỏ, mặt bằng lãi suất cao hơn, ở mức tối đa 6,95%/năm. Một số nhà băng đã có động thái đẩy mạnh huy động vốn nhằm tạo dư địa thanh khoản những tháng cuối năm. Có thể kể đến Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với chương trình cộng thêm 0,5% lãi suất tiền gửi online so với gửi tiền tại quầy và tặng quà cho khách hàng may mắn.

Theo đó, mức lãi suất đối với tiền gửi online tại Viet Capital Bank là 3,95%/năm đối với kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống (cao hơn 0,2% so với lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy); kỳ hạn từ 6-8 tháng lãi suất 6,2%/năm (cao hơn 0,2-0,4% gửi tại quầy), kỳ hạn 9-11 tháng lãi suất 6,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng 6,4%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng lãi suất 6,7%/năm cao nhất trong các mức lãi suất gửi tiết kiệm online.

Tương tự, HDBank cũng có chương trình quay số trúng thưởng dành cho khách hàng gửi tiền online. Mức lãi suất cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng là 6,15%/năm với kỳ hạn 36 tháng, 6,05%/năm với kỳ hạn 24 tháng.

Tại SCB, ngân hàng cũng đồng thời triển khai nhiều sản phẩm online với lãi suất và các tiện ích tốt hơn so với gửi tại quầy. Gửi tiết kiệm online tại SCB kỳ hạn 1-5 tháng lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất đã 6,8%/năm, các kỳ hạn từ 13-36 tháng lãi suất 6,85-6,95%/năm… Đây cũng là mức lãi suất cao nhất đang áp dụng với các khoản tiền gửi thông thường trên thị trường.

Lãi suất tiết kiệm dự báo sẽ vẫn trong xu hướng giảm từ nay đến cuối năm

Lãi suất tiết kiệm dự báo sẽ vẫn trong xu hướng giảm từ nay đến cuối năm

Thanh khoản vẫn tốt, lãi suất sẽ giảm tiếp

Dù vậy, việc tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ. Còn mặt bằng chung, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đối với tiền gửi kỳ hạn 6 và 12 tháng cho thấy, lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 9. Trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,03 và 0,002 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,71% và 5,561% vào cuối tháng 9.

Trong đó, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm lãi suất hai loại kỳ hạn trên trong tháng 9, lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45% và 5,39%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Với ngân hàng TMCP quy mô nhỏ, vốn dưới 5.000 tỷ đồng, lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6%/năm. Ngược lại, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm.

Theo thống kê từ đầu năm tới nay, tăng trưởng huy động vốn các ngân hàng đều thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng. Tính tới 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 7,17%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,28%. Dù việc tăng trưởng huy động vốn giảm song với tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, thanh khoản hầu hết các ngân hàng đều vẫn dồi dào, áp lực chỉ xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ.

Điều này được thể hiện khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức dưới 1%, đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng. Còn khảo sát mới đây của Vụ Thống kê dự báo (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2021 duy trì ở trạng thái tốt và dồi dào hơn quý II đối với cả VNĐ và ngoại tệ. Các ngân hàng dự báo trong quý IV/2021, năm 2021 và năm 2022, thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt.

Đây là lý do khiến mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu tăng khi mùa tín dụng cuối năm đang đến gần, cũng là lúc các doanh nghiệp bắt tay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài phải ngừng do dịch.

Từ nay đến cuối năm, khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng kỳ vọng mMặt bằng lãi suất huy động – cho vay tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV và giảm đáng kể tính đến cuối năm 2021 so với cuối năm 2020.

Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 10,4% trong năm 2021, trong khi tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 12,3% trong năm.