Lãi suất huy động giảm về 9%

ANTĐ - Theo các doanh nghiệp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động và áp trần đối với lãi suất cho vay trong thời gian qua nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vẫn rất khó khăn, các doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất tương đối cao.

Các doanh nghiệp phải chứng minh được hiệu quả mới có thể vay với lãi suất ưu đãi


Trần lãi suất cho vay về mức 13%

Chiều qua (8-6), NHNN đã có quyết định giảm lãi suất huy động VND từ 1 tháng đến dưới 12 tháng xuống mức 9%/năm. Theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được quy định ở mức 13%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm, tức giảm 2%/năm so với hiện nay. 

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, thời điểm áp dụng các mức lãi suất trên từ thứ 2 tới (11-6) và sẽ duy trì tương đối ổn định trên cơ sở nhận định lạm phát năm 2012 khoảng 7 - 8%. Nếu phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cụ thể thì mức điều chỉnh sẽ nhỏ và tổng mức điều chỉnh không lớn. Cùng với quyết định điều chỉnh giảm trên, NHNN chính thức bỏ trần huy động kỳ hạn dài. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ do tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. “Trong thời gian tới NHNN cũng sẽ bỏ trần lãi suất huy động khi thời điểm thuận lợi” - bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đánh giá, việc giảm lãi suất này phù hợp với diễn biến lạm phát chung trong mấy tháng qua và lạm phát tháng 6 sẽ khoảng 0,2%. Hơn thế, tính đến 31-5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã về mức cân bằng sau khi 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm 2,22%. Do vậy, mặt bằng lãi suất 9% sẽ đảm bảo lãi suất và tăng trưởng tín dụng thực dương, cũng như đảm bảo ổn định tỷ giá. 

Cùng với các quyết định trên, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 20 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn đối với VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó, kể từ ngày 11-6, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm. NHNN cũng có Quyết định số 1196 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, các lãi suất trên đồng loạt giảm 1%/năm. 

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

Mặc dù các ngân hàng liên tiếp công bố các gói cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc vay vốn với lãi suất 12%/năm là không tưởng. Bà Dương Thị Hằng - Giám đốc tài chính Công ty liên doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên cho biết: “Trước thông tin giảm lãi suất từ các cơ quan chức năng, thực tình các doanh nghiệp cũng không mấy hồ hởi. Bản thân công ty tôi rất e ngại về độ trễ trong việc giảm lãi suất, hiện nay chúng tôi vẫn đang phải vay với lãi suất 16-17%”.

Tại cuộc hội thảo diễn ra chiều qua (8-6) do Cổng thông tin ngân hàng (Laisuat.vn) phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức,  TS.Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI cũng cho biết, theo khảo sát của VCCI tỷ lệ doanh nghiệp nhận tín dụng ưu đãi hàng năm dao động trong khoảng 12-13%. Tuy nhiên, đối tượng tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp, doanh nghiệp quy mô vừa ngành dịch vụ và doanh nghiệp Nhà nước. Rất ít các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ tiếp cận được vốn ưu đãi.“Rõ ràng chính sách ưu đãi vốn chưa nhằm vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ. Điều này tạo nên một thế bất lợi cho các doanh nghiệp này”, bà Hằng nhấn mạnh.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các chính sách về giảm lãi suất đưa ra cũng sẽ phải có độ trễ mới phát huy tác dụng. Độ trễ về lãi suất của ngân hàng có thể là 3 tháng, trước đó các ngân hàng đã huy động với lãi suất cao nên khó có thể giảm ngay. “Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ cũng phải chọn mặt gửi vàng do đó không nên trách họ. Vấn đề là cần xây dựng quỹ tín chấp, quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp vẫn có hợp đồng xuất khẩu được, nhưng bán hàng bị chậm tạm thời thì vẫn có thể vay được vốn”.