Lãi suất huy động giảm kỷ lục, còn 5%/năm

ANTĐ - Sau khi 3 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) công bố quyết định giảm lãi suất, một số ngân hàng cũng đã đưa ra thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Hiện thị trường ghi nhận mức lãi suất tiền gửi thấp nhất là 5% do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) công bố. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ sớm xác lập một mặt bằng lãi suất mới. 

Với xu hướng lãi suất giảm, người gửi tiền nên lựa chọn kỳ hạn dài

Lãi suất huy động giảm dưới mức trần

Mở đầu cho đợt cắt giảm lãi suất này, từ ngày 6-5, Vietcombank đã điều chỉnh mức lãi suất huy động thấp nhất chỉ còn 6% một năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 1,5%/năm. Cụ thể, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức trần lãi suất huy động là 8%/năm trong khi NHNN cho phép các ngân hàng thỏa thuận về mức lãi suất với khách hàng. 

Việc giảm lãi suất huy động cũng giúp Vietcombank có thể cắt giảm lãi suất cho vay dành cho các doanh nghiệp. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện chỉ còn khoảng 10,5%/ năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, giảm lãi suất huy động là một mũi tên trúng hai đích, vừa kích cầu để giải quyết vấn đề hàng tồn kho vừa tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Sau động thái giảm mạnh lãi suất của Ngân hàng Vietcombank, một số ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV cũng đã chính thức hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cụ thể, biểu lãi suất tại BIDV đồng loạt điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 6,5%/năm. Các kỳ hạn từ 3-11 tháng cũng giảm xuống 7%. Riêng các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên sẽ hưởng lãi suất 8% một năm. 

Tại Vietinbank, các mức lãi suất huy động VND có kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất chỉ là 7%/năm. Cùng với đó, Vietinbank đang triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với hạn mức lên tới 80.000 tỷ đồng và mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm đối với các đối tượng khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn theo biểu lãi suất được Agribank áp dụng cho khách hàng, lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm. Kỳ hạn 2 tháng là 7%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng là 7,5%/năm, mức huy động cao nhất là 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng.

Sau 4 ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên thực hiện giảm lãi suất huy động VND. Theo đó, từ ngày 9-5, lãi suất tiền gửi tại MB kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tới 11 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hạ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm.

Vẫn còn khả năng để giảm tiếp

Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, ông Nguyễn Đức Trung – Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, lãi suất tiết kiệm trước đây có thể là 12% đến 14%/năm, đây là mức rất cao nhưng chỉ là lãi suất danh nghĩa. Lãi suất thực mà người dân được hưởng phải trừ đi lạm phát trên 10% sẽ không còn cao như vậy. “Do đó, lãi suất 7,5% hiện nay tôi thấy vẫn đảm bảo cao hơn khá nhiều so với mức lạm phát dự kiến. Nếu lạm phát năm nay là 6,97% hoặc 6,6% thì lãi suất huy động còn dư địa về 7% một năm và ở mức này thì người gửi tiền có thể chấp nhận được. Còn nếu kịch bản kinh tế xấu hơn và lạm phát là 6% thì lãi suất có thể hạ tiếp”, ông Nguyễn Đức Trung phân tích.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tín hiệu giảm lãi suất từ các ngân hàng lớn sẽ tạo ra một làn sóng hạ lãi suất mới của các ngân hàng. Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều thông tin về việc trần lãi suất huy động sẽ giảm do lạm phát thấp và thanh khoản của hệ thống được cải thiện. Nhiều tổ chức tài chính đưa ra nhận định lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là cơ hội để cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm, đưa lãi suất huy động về mức 7%/năm, kéo lãi suất cho vay xuống quanh mức 10%/năm.

 Đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cũng cho rằng, các yếu tố như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm, đang hình thành nên cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2 - 3% trong thời gian tới. TS.Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, với việc lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% so với hiện nay nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí.

Về phía các ngân hàng, ngoài các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại cho biết hiện chưa có quyết định cụ thể về việc sẽ giảm lãi suất, tuy nhiên, có thể xem xét tình hình trong thời gian tới để đưa ra quyết định.