Lãi suất huy động thấp kỷ lục, dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nếu như thời điểm này những năm trước, các ngân hàng đua nhau tung ra các chương trình khuyến mại thì năm nay lại khá im ắng. Dù vậy, lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại các ngân hàng vẫn không suy giảm.

Lãi suất thấp kỷ lục

Theo khảo sát của phóng viên, so với hồi tháng 9-2020, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở tất cả các kỳ hạn, khiến mặt bằng lãi suất xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.

Cụ thể, ngân hàng Vietcombank lãi suất huy động đang ở mức 3,1%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng; kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4%/năm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này hiện cũng chỉ duy trì mức 5,8%/năm, trong khi cùng thời điểm năm ngoái ở mức 7%/năm.

Tương tự, các ngân hàng quốc doanh khác như Vietinbank, BIDV, Agribank… lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng không quá 3,75%/năm, trong khi kỳ hạn dài cũng không vượt quá 6%/năm.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang duy trì ở mặt bằng rất thấp

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đang duy trì ở mặt bằng rất thấp

Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng đều đã giảm về mức dưới 4% theo quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 4,4-6,2%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm, cá biệt có một số ngân hàng lãi suất huy động dài hạn còn duy trì mức khoảng 7,5%/năm…

Không chỉ lãi suất huy động trên thị trường dân cư mà trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng về mức thấp kỷ lục. Kỳ hạn qua đêm (chiếm tới gần 70% doanh số giao dịch) có mức lãi suất chỉ 0,1%...

Tiền nhàn rỗi vẫn lựa chọn ngân hàng

Dù lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục nhưng thống kê trên thị trường cho thấy tiền dư thừa từ người dân, doanh nghiệp vẫn không ngừng đổ về các ngân hàng. Chẳng hạn tại Vietcombank, tiền gửi khách hàng vẫn đạt 982.429 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2020, tăng gần 54.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi tín dụng đạt hơn 783.757 tỷ đồng, tăng hươn 49.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Hay tại Vietinbank, tiền gửi khách hàng vẫn tăng tới 109.390 tỷ đồng, lên mức 939.175 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng 22.740 tỷ đồng. BIDV huy động vốn cũng tăng thêm 30.840 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại Techcombank, ngân hàng đang có mặt bằng lãi suất thấp nhất hiện nay, tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 9/2020 cũng đạt hơn 252.572 tỷ đồng, tăng hơn 21.275 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng hơn 9%...

Theo thống kê, tính đến hết tháng 9/2020, tín dụng chỉ tăng ở mức 6,09%; trong khi huy động vốn tăng tới trên 7,7%. Như vậy, tăng trưởng huy động vốn vẫn ở mức cao hơn khá nhiều so với cho vay, điều này cho thấy dù lãi suất không hấp dẫn nhưng dòng tiền vẫn tìm đến ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Không chỉ tiền gửi của người dân, mà thống kê trong báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp lớn cũng cho thấy lượng tiền gửi tại các ngân hàng tăng vọt. Điều này được cho là xuất phát từ bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ, tiền nhàn rỗi được đưa vào ngân hàng.

Đơn cử như tại Vinamilk, trong 9 tháng đầu năm, khoản đầu tư tài chính (chủ yếu tiền gửi có kỳ hạn ngắn) lên đến 17.872 tỷ đồng (tăng 44% so với đầu năm). Khoản tiền gửi ngân hàng khổng lồ này đã đem về số tiền lãi tới 869 tỷ đồng.

Tổng CTCP Khí Việt Nam (PV GAS) tại thời điểm 30/9 cũng có tới 26.732 tỷ đồng gửi ngân hàng, góp phần đem lại khoản doanh thu tài chính khổng lồ lên đến 1.162 tỷ đồng trong 3 quý vừa qua…