“Chạy đua” lãi suất:
“Lách” quy định bằng một số khoản phí
(ANTĐ) -Một tuần qua, thị trường lãi suất huy động trở nên sôi động khi tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh tăng. Lại một cuộc “chạy đua” mới về lãi suất khiến cho cả ngân hàng và doanh nghiệp đều mệt mỏi!
Mệt mỏi vì chạy đua
Ngay trong ngày 17-5, khi NHNN chính thức công bố cơ chế điều hành mới về lãi suất (LS), một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã ban hành ngay biểu LS huy động mới. Cuộc “đua tăng” đặc biệt “nóng” trong ngày đầu thực hiện 19-5. Nếu như 17-5, mức 15%/năm đã được tạm tính là kỷ lục thì sang ngày 19-5, lần lượt các mốc 16, 17, thậm chí cả mức gây “sốc” là 18%/năm-mức tối đa với cả LS huy động và cho vay cũng đã xuất hiện!
NH nào cũng nhộn nhịp khách giao dịch, nhưng nơi có LS thấp thì khách đến để rút tiền, nơi có LS cao thì được đổ xô đến gửi. “Cuộc đua” một mặt cũng hút thêm một lượng vốn nhàn rỗi của người dân “đổ” vào hệ thống NH nói chung, mặt khác cũng làm dòng vốn có sự dịch chuyển ít nhiều từ nơi có LS thấp sang nơi có LS cao.
Lãi suất cao: Vốn đổ vào ngân hàng tăng |
Sau vài ngày đầu “sốt giá”, LS huy động cũng đã được các NH điều chỉnh về gần “mặt bằng” chung của thị trường, trong đó mức cao nhất vào khoảng 15%. Tuy nhiên, “mặt bằng” này có xu hướng nhích lên đôi chút khi một vài NH lại bắt đầu tăng nhẹ LS huy động vào những ngày cuối tuần.
Chủ tịch HĐQT một NH TMCP trên địa bàn Hà Nội cho biết, phải lao theo “cuộc đua” về LS huy động cũng là cực chẳng đã, bởi bản thân NH cũng rất mệt mỏi. Một mặt, NH phải tăng LS để cân bằng tương đối với tốc độ trượt giá nhằm hút khách hàng nhưng mặt khác căng thẳng hơn là để giữ chân khách hàng khỏi rút tiền gửi sang NH bạn. “NHNN đã “chốt” đầu ra chỉ là 18% thì việc nâng LS huy động lên cao sẽ khiến hiệu quả hoạt động của NH giảm, thậm chí có nguy cơ thua lỗ nếu NH không quản trị tốt” - vị lãnh đạo này nói.
Tại cuộc họp báo về phương án điều hành LS mới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, NH nào cho vay có mức LS vượt 18%/năm là phạm luật. Nhưng mức LS này không bao gồm các chi phí liên quan. |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức tăng thêm LS huy động của các NH dao động từ 1,7-3,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và tăng từ 1,5-3,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng so với thời điểm trước khi các quyết định về LS được ban hành. Cụ thể, LS huy động của các NHTM hiện đang phổ biến ở mức: NH TMNN: Loại không kỳ hạn là 4,0%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 13,43%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 13,53%/năm, kỳ hạn 12 tháng 13,67%/năm. Khối NH TMCP: Loại không kỳ hạn là 4,49%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 14,01%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 16,16%/năm, kỳ hạn 12 tháng 14,3%/năm.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, với quy định LS tối đa (cả huy động và cho vay) chỉ là 150% LS cơ bản, tương ứng với 18%/năm, NH nào đẩy LS lên quá cao thì có thể nhìn thấy trước kết quả là thua lỗ. Do vậy, các NH sẽ buộc phải tính toán một mức chênh lệch giữa LS huy động và cho vay sao cho đảm bảo để bù đắp những chi phí như dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí quản lý, hoạt động...
Khó xử lý
Mức chênh lệch được coi là hợp lý, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến vào khoảng 4-5%. Như vậy, với mức cho vay tối đa là 18%/năm thì LS huy động vào khoảng 13-14% mới đảm bảo cho NH hoạt động hiệu quả. Đó là lý do khiến nhiều NH đã đưa ra một số khoản phí doanh nghiệp phải chi thêm khi vay vốn, như “phí thu xếp vốn”, “phí quản lý tín dụng”... với các mức từ 0,5-4,5% áp dụng theo tổng vốn vay. Như vậy, nếu cộng lại thì LS cho vay của các NH này có thể lên tới trên dưới 20%. Phải chăng, đây cũng là một hình thức “lách” quy định của NHNN?
Đặt câu hỏi này với bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), bà Hương cho biết, VNBA cũng đang theo dõi diễn biến này của các NH, qua đó sẽ có phân tích, đánh giá cụ thể để báo cáo NHNN hướng xử lý. Tuy nhiên, đây quả thực cũng là một vấn đề khó xử lý hiện nay bởi thông lệ quốc tế thì vẫn áp dụng, còn Luật Việt Nam thì không có điều khoản nào cấm việc thu phí.
Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng nhấn mạnh, cuộc “chạy đua” LS huy động đã kéo nhiều NH vào cuộc khiến cho mặt bằng LS đã bị đẩy lên khá cao, kéo theo nguy cơ rủi ro tín dụng. Cụ thể, các doanh nghiệp vay vốn NH với LS 18%/năm (chưa kể phí mà một số NH đang áp dụng) trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào tăng, đồng lương tăng... Như vậy, doanh nghiệp đó phải có mức tăng trưởng cao hơn thì mới đảm bảo an toàn mà điều này là rất khó khăn.
Do vậy, để giám sát vấn đề phát sinh nói trên, tránh những trường hợp thu phí cho vay bất hợp lý, NHNN vừa chỉ đạo các đầu mối trực tiếp phụ trách xây dựng và sớm trình để ban hành một quyết định về vấn đề thu phí, để quản lý và làm cơ sở để giám sát việc cho vay của các NHTM.
Bảo Nguyên