Lá chắn hay mối lo?

(ANTĐ) - Việc 5 nước châu Âu cùng lúc lên tiếng yêu cầu Mỹ rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu lục này cho thấy công cụ mà Washington coi như “lá chắn” đã trở thành mối lo cho châu Âu.

Lá chắn hay mối lo?

(ANTĐ) - Việc 5 nước châu Âu cùng lúc lên tiếng yêu cầu Mỹ rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu lục này cho thấy công cụ mà Washington coi như “lá chắn” đã trở thành mối lo cho châu Âu.

Bom hạt nhân nhiệt hạch B-61
Bom hạt nhân nhiệt hạch B-61

Trước hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Thủ đô Talin của Estonia ngày 22-4, Bỉ, Đức, Luxemburg, Hà Lan và Na Uy đã đề nghị Tổng thư ký NATO A. Rasmussen tổ chức thảo luận lập trường của NATO đối với vấn đề vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở châu Âu. Động thái này được xem là hành động gây sức ép buộc Mỹ phải rút khoảng 350 đầu đạn hạt nhân đang triển khai ở 5 quốc gia này và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay trên thế giới, chỉ duy nhất có Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài. Theo báo cáo hàng năm của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Lầu Năm Góc hiện “ký gửi” khoảng 350 quả bom hạt nhân nhiệt hạch B-61 tại 6 quốc gia châu Âu. Hiện giờ người ta mới biết có 20 quả cất tại căn cứ không quân Kleine Brogel ở Bỉ, Đức lưu giữ 130 quả tại căn cứ không quân Spangdahlem, Hà Lan giữ 20 quả tại căn cứ không quân Volkel ở miền Nam, Italia cất giữ 20 quả tại căn cứ không quân Ghedi Torre ở miền Trung và 50 quả tại căn cứ không quân Aviano ở miền Bắc, gần giáp biên giới Áo.

Là loại bom nhiệt hạch được Mỹ chế tạo trong thập niên 60 của thế kỷ trước với sức công phá mạnh gấp 13 lần quả bom nguyên tử đã ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945,  thời “Chiến tranh lạnh”, B-61 được xem là một “át chủ bài” của NATO trong việc “bảo vệ thành viên” và cân bằng sức mạnh quân sự với Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự đối đầu chiến lược ấy đã không còn nữa và những quả bom này đang trở thành mầm gây họa cho châu Âu.

Một báo cáo nội bộ của Không lực Mỹ đã cảnh báo rằng các căn cứ ở  châu Âu hiện nay không còn đáp  ứng được các yêu cầu an toàn mà Lầu Năm Góc đưa ra. Trong khi đó bom B-61 lại có tính năng kỹ thuật cho phép được tháo rời thành từng bộ phận thiết bị cơ động, gọn gàng, có thể di chuyển một cách dễ dàng, càng làm tăng nguy cơ “khủng bố hạt nhân”, hay “bom bẩn” nếu chẳng may các kho vũ khí này bị khủng bố tấn công và đột nhập.

Không chỉ gây lo ngại về an ninh, các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu còn vi phạm Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và gây trở ngại đối với tiến trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Nó chính là nguyên nhân buộc Nga phải triển khai hàng nghìn vũ khí hạt nhân chiến thuật tương tự ở lãnh thổ châu Âu của nước này để làm đối trọng. 6 nước châu Âu có vũ khí hạt nhân của Mỹ đương nhiên được đặt trong tầm ngắm của tên lửa hạt nhân Nga.

Dọn dẹp khỏi châu Âu những vũ khí hạt nhân của Mỹ để không bị đặt trong tầm ngắm của tên lửa đã trở thành đòi hỏi của nhiều nước thành viên NATO. Quan điểm này thể hiện rõ trong phát biểu của Thủ tướng Bỉ Y. Leterme: “Chiến tranh lạnh đã kết thúc, xung đột Đông - Tây không còn nữa, giờ là thời điểm tốt nhất để yêu cầu rút kho vũ khí nguyên tử này đi”.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại châu Âu đã mất hết tầm quan trọng chiến lược quân sự mà chỉ gây phiền toái. Dù Mỹ có phản đối thì cũng khó có thể thay đổi một xu thế đã hiện rõ.

Hoàng Sơn