Kỳ vọng về Thủ đô mới Nusantara của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Indonesia đã xúc tiến những công việc cần thiết nhằm triển khai thực hiện “siêu dự án” rời Thủ đô từ Jakarta hiện nay về Thủ đô mới có tên Nusantara được kỳ vọng sẽ giữ vai trò trung tâm, là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia, đồng thời là trung tâm kinh tế mới của đảo quốc đông dân thứ tư thế giới và đông nhất Đông Nam Á này.

Lý do dời Thủ đô từ Jakarta về Nusantara

Theo Luật về thành phố Thủ đô quốc gia vừa được ký ban hành, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ trực tiếp chỉ định ban lãnh đạo chính quyền Thủ đô mới Nusantara, gồm Thống đốc và Phó Thống đốc, với nhiệm kỳ 5 năm. Ban lãnh đạo chính quyền Thủ đô Nusantara được lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm trực tiếp bởi Tổng thống sau khi tham khảo ý kiến của Hạ viện Inodonesia.

Chính quyền Trung ương sẽ công bố một quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự công tác của chính quyền Thủ đô mới và Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phát triển tương lai. Theo đó, cũng như các tỉnh tự trị khác là Jakarta, Aceh, Yogyakarta, Papua và Tây Papua, Nusantara sẽ có các điểm khác biệt của mình và người đứng đầu chính quyền Thủ đô mới sẽ mang hàm Bộ trưởng nội các.

Indonesia chuyển Thủ đô từ Jakarta về Nusantara

Indonesia chuyển Thủ đô từ Jakarta về Nusantara

Có thể thấy, chính quyền Trung ương của Tổng thống Joko Widodo đang xúc tiến việc thực hiện việc chuyển Thủ đô từ Jakarta về Nusantara, một siêu dự án được đích thân ông Joko Widodo chính thức công bố vào năm 2019. Chính quyền của Tổng thống Widodo bắt đầu cân nhắc ý định di chuyển Thủ đô khỏi Jakarta vào năm 2017 và đến năm 2019 công bố kế hoạch 10 năm nhằm chuyển tất cả các cơ quan Chính phủ đến Thủ đô mới.

Thủ đô Jakarta nằm trên đảo Java, nơi trong nhiều thập niên đã là trung tâm phát triển của các Chính phủ Indonesia, dẫn đến việc tập trung quá nhiều các hoạt động kinh tế và dân số trên hòn đảo chính có diện tích nhỏ nhất nước. Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người.

Do mật độ dân cư quá đông nên Thủ đô Jakarta phải đối mặt với những vấn đề ngày càng nghiêm trọng như tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, lũ lụt và ô nhiễm không khí… Trong đó, chất lượng không khí trong thành phố đã liên tục sụt giảm, thậm chí còn bị đánh giá là tồi tệ hơn các thành phố ô nhiễm “có tiếng” trên thế giới như New Delhi của Ấn Độ hay Bắc Kinh của Trung Quốc...

Do địa thế thấp, thành phố Jakarta đang dần bị nước biển nhấn chìm với tốc độ trung bình khoảng 18cm mỗi năm. Ngoài ra, việc xây các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại cao tầng làm gia tăng nguy cơ ngập, trong khi khu vực phía Bắc Jakarta đang lún khoảng 25cm mỗi năm. Hệ thống lọc nước cũng đang bị quá tải, đa số người dân phải lấy nước ngầm từ các giếng nông, gây ảnh hưởng tới chất lượng đất và đường xá.

Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra và là một nỗi ám ảnh với người dân tại Jakarta. Ước tính, tắc nghẽn giao thông mỗi năm gây thiệt hại cho kinh tế khoảng hơn 7 tỷ USD.

Vì thế, theo Tổng thống Joko Widodo, việc di dời Thủ đô khỏi Jakarta đã thành một vấn đề cấp bách. Mục đích chính của việc chuyển Thủ đô là để giảm tải dân số tại thành phố Jakarta và toàn bộ khu vực đảo Java - nơi sinh sống của 60% dân và chiếm hơn 50% hoạt động kinh tế của quốc đảo này - đồng thời làm cân bằng mức độ phát triển kinh tế trên toàn bộ lãnh thổ Indonesia.

Hình ảnh thiết kế Dinh Tổng thống Indonesia tại Thủ đô mới Nusantara

Hình ảnh thiết kế Dinh Tổng thống Indonesia tại Thủ đô mới Nusantara

Phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển

Theo Luật về thành phố Thủ đô quốc gia, Thủ đô mới Nusantara được xây dựng tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Đích thân Tổng thống Jokowi quyết định chọn “Nusantara” (có nghĩa là “quần đảo”) làm tên cho Thủ đô mới của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và đông dân thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Địa điểm của Thủ đô mới cách Thủ đô Jakarta 2.000km về phía Đông Bắc, là một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên vốn thường xuyên xảy ra trên quần đảo 17.000 hòn đảo. Kalimantan rộng gấp 4 lần diện tích Thủ đô Jakarta, nhưng GDP khu vực này hiện chỉ chiếm ít hơn 1/10 tổng GDP của Indonesia. Ngoài ra, về mặt địa lý, Kalimantan nằm ở vị trí gần trung tâm của 17.000 hòn đảo tạo nên “đất nước vạn đảo” này.

Khu vực được lựa chọn xây dựng Thủ đô mới của Indonesia hiện có những đồn điền keo và bạch đàn trải dài, cùng một khu đất đã dọn sạch với tuyến đường mới đang được xây dựng. Thủ đô mới Nusantara được xác định sẽ xây dựng theo tiêu chí “thành phố xanh và thông minh toàn cầu”, được phát triển theo nhiều giai đoạn cho đến khi hoàn thành vào năm 2045.

Theo công bố của Tổng thống Joko Widodo, tổng chi phí di chuyển trung tâm hành chính Thủ đô mới hiện ước tính 32,5 tỷ USD, trong đó chỉ có 19% sẽ được lấy từ ngân sách, còn lại là huy động từ nhiều nguồn. “Siêu dự án” xây dựng Thủ đô mới Nusantara hy vọng thu hút đủ đầu tư từ lĩnh vực tư nhân cho phần còn lại hơn 80%, bao gồm từ cả các đối tác công - tư. Chi phí di chuyển trung tâm hành chính Thủ đô bao gồm các văn phòng chính phủ mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu công chức dân sự.

Chính phủ của Tổng thống Tổng thống Joko Widodo kỳ vọng, chương trình phát triển Thủ đô mới Nusantara tại tỉnh Đông Kalimantan sẽ góp phần quan trọng giúp Indonesia chuyển mình. “Thủ đô mới giữ vai trò trung tâm, là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia, đồng thời là trung tâm kinh tế mới” - Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển quốc gia Suharso Monoarfa nhấn mạnh khi phát biểu trước Quốc hội sau khi Luật về thành phố Thủ đô quốc gia được thông qua.

Tổng thống Joko Widodo nêu rõ, Indonesia muốn thông qua việc xây dựng Thủ đô mới để “thể hiện sự chuyển mình đó về môi trường, cách làm việc, cơ sở kinh tế, công nghệ, cũng như dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng hơn”. Đồng thời, “siêu dự án” này cũng nằm trong tầm nhìn nhằm giúp Indonesia gia nhập nhóm các nước phát triển và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Vì thế, để tạo điều kiện việc xây dựng cũng như phát triển Thủ đô mới, Nusantara sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan Chính phủ, cũng như các quy định khác. Việc di dời Thủ đô từ Jakarta tới Nusantara được Indonesia xem như là một dấu mốc để thực hiện mục tiêu lớn trở thành một quốc gia phát triển trên thế giới.