Kinh tế thế giới trước cơ hội khởi sắc khi Trung Quốc mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động đến kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, ngành du lịch thế giới đứng trước cơ hội khởi sắc.

Luồng sinh khí mới cho kinh tế thế giới

Từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế, chấm dứt gần 3 năm kiên định thi hành chính sách “Zero Covid” để chuyển sang giai đoạn “sống chung với virus”. Sự hà khắc của “Zero Covid” đã bóp nghẹt nhiều hoạt động kinh tế ở Trung Quốc trong thời gian qua. Các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới của Trung Quốc đã khiến nước này “lạc nhịp” với thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, cản trở dòng chảy thương mại và đầu tư. Bởi vậy, tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại một luồng sinh khí mới cho kinh tế Trung Quốc và thế giới.

Các sân bay của Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp trở lại khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng

Các sân bay của Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp trở lại khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng

Tất nhiên, sự bình thường hóa được dự đoán sẽ không đến ngay lập tức, bởi theo ước tính, mỗi ngày Trung Quốc vẫn có tới 37 triệu người mắc Covid-19. Tuy nhiên, tác động từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ nhanh chóng diễn ra. Các dự báo cho biết, kinh tế Trung Quốc có thể co lại trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi mở cửa trở lại rồi sự phục hồi sẽ bắt đầu và tiếp diễn trong cả năm 2023. Theo ông Jacqueline Rong tại ngân hàng BNP Paribas, mức tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 9% vào năm 2023. Đây sẽ là sự cải thiện lớn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022. Còn ngân hàng HSBC dự báo, vào quý I-2024, GDP của Trung Quốc có thể cao hơn 10% so với 3 tháng khó khăn đầu tiên của năm 2023.

Trung Quốc là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới nên sự phục hồi của nước này sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Theo tính toán sơ bộ, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024. Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa mang lại tác động tích cực đến du lịch quốc tế, hàng hóa nhập khẩu, nhất là với các nước láng giềng.

Liên quan đến xu hướng này, báo cáo hồi giữa tháng 12-2022 của Goldman Sachs nhận định Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Singapore là các nền kinh tế có thể hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc bỏ hạn chế về Covid-19 và mở cửa nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là việc này sẽ giúp kéo nhu cầu hàng nhập khẩu và du lịch nước ngoài lên cao. GDP của đặc khu Hồng Kông được dự báo tăng thêm 7,6% nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và du lịch. GDP Thái Lan hưởng lợi thêm 2,9%. Tác động này với Singapore nhỏ hơn, vào khoảng 1,2%. Theo sau là Malaysia với 0,7%.

Trước khi đại dịch xuất hiện, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất thế giới với 150 triệu du khách ra nước ngoài mỗi năm. Theo ông Steve Saxon, người phụ trách mảng du lịch châu Á của McKinsey có trụ sở tại Thâm Quyến, du lịch quốc tế của du khách Trung Quốc sẽ tăng từ 5% so với mức năm 2019 vào tháng 12-2022 lên khoảng 50% vào mùa hè năm nay. Trong số các nền kinh tế, đặc khu hành chính Hồng Kông là nơi được hưởng lợi nhiều nhất nhờ hoạt động xuất khẩu gia tăng và chào đón làn sóng du khách từ Trung Quốc đại lục. Hồng Kông từng thu hút hơn 4 triệu du khách Trung Quốc đại lục mỗi tháng, nên khi hoạt động đi lại bị giới hạn, doanh thu của ngành du lịch Hồng Kông đã bị thu hẹp lại. Thái Lan, một điểm đến phổ biến với du khách Trung Quốc, có thể được hưởng mức tăng trưởng 3 điểm phần trăm sau khi Bắc Kinh quyết định mở cửa biên giới trở lại.

Những thông tin tích cực trên không chỉ kéo thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên, mà còn có tác động tích cực lên cổ phiếu hàng loạt công ty liên quan đến du lịch và tiêu dùng tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Cổ phiếu Lotte Tour Development sáng 5-1 có thời điểm tăng 7%. Japan Airport Terminal tăng 3,7%. Các hãng mỹ phẩm được ưa chuộng tại Trung Quốc như Shiseido và Amorepacific cùng tăng 5,7%.

Nới lỏng nhưng không buông lỏng phòng dịch

Riêng với Việt Nam, trong báo cáo vừa công bố của Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, Trung Quốc mở cửa trở lại ít tác động với kinh tế Việt Nam hơn các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân là mức độ tiếp xúc của nước ta với thị trường nội địa Trung Quốc khá khiêm tốn. Còn theo Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung Quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ và gạo. Ngược lại, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực.

Bởi lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch Covid-19 nên việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam. Với lợi thế núi liền núi, sông liền sông, từ nhiều năm nay khách Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. Đây cũng là nhóm khách mà rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ăn uống trên cả nước chờ đón để cải thiện nguồn thu trong năm nay và những năm tới.

Theo dự báo của ông Michael Kokalari, tác động quan trọng nhất với Việt Nam là lượng khách du lịch có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023 và đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 2% trong năm 2023. Còn VNDirect thì kỳ vọng tần suất các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian tới. Theo đó, ước tính lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục về mức 20%, 40%, 60%, 80% so với trước đại dịch trong từng quý của năm 2023. Do đó, thời điểm lượng khách quốc tế Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào thời điểm quý II và quý III của năm 2023.

Rất nhiều đơn vị lữ hành, các địa phương đã nhanh chóng bắt tay triển khai kế hoạch đón khách Trung Quốc vào Việt Nam. Các địa bàn đón khách Trung Quốc chủ yếu là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, TP.HCM... Nhưng để đón được lượng khách này, còn rất nhiều việc cần phải chuẩn bị. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, mặc dù đã mở cửa biên giới cho phép người dân đi du lịch nhưng dự báo Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng trong phòng chống dịch nên có thể bất ngờ đóng cửa trở lại. Vì vậy, các cơ quan quản lý về du lịch phải luôn bám sát thông tin độ mở cửa thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên, tránh chạy theo số lượng với các tour giá rẻ, giá nào cũng làm.

Các chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo, việc cần thực hiện xét nghiệm phát hiện biến chủng để ngăn từ sớm nguy cơ lây lan dịch, vì vấn đề mọi người lo ngại nhất hiện nay là chưa biết được biến thể virus ở Trung Quốc thế nào. Vì thế, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại nhiều. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine, ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, dễ tổn thương như người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Chúng ta nới lỏng nhưng không buông lỏng phòng dịch, cần đánh giá được nguy cơ bùng phát dịch để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa giao thương kinh tế.