Kinh tế Hà Nội 2023: Vượt thách thức bằng nội lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội năm 2023 đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7%. Trong bối cảnh thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, đây là một mục tiêu đầy “thách thức”. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Hà Nội còn có thể tăng trưởng hơn mức này nếu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm ngay từ đầu năm.

Biến thách thức thành động lực tăng trưởng

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội trong năm tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường về kinh tế - xã hội. “Khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói. Nhận định này từng được nhắc đến tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô diễn ra vào trung tuần tháng 12-2022. Nhiều chuyên gia kinh tế lớn cũng đồng tình với nhận định rằng, sẽ còn rất nhiều thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong năm tới.

Hà Nội phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp

Hà Nội phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp

Dù vậy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TP Hà Nội vẫn đặt ra 22 chỉ tiêu, chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%. Đặc biệt, thành phố sẽ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ. Mục tiêu cao vừa là động lực, vừa là thách thức với thành phố.

Vậy đâu là động lực cho sự tăng trưởng của Hà Nội?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, song Hà Nội hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng 7%. Để làm được điều này, thành phố cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Cùng với đó, thành phố nên quan tâm đến hoạt động công nghiệp, xuất khẩu, chuyển đổi số và đẩy mạnh tiêu dùng để kích thích sản xuất.

“Hà Nội có nhiều lợi thế để kinh tế bật lên trong năm 2023. Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố nhìn chung còn chậm, chưa đạt kết quả như mong muốn. Thành phố là nơi tập trung nhiều dự án trọng điểm, do đó, cần xác định tầm quan trọng của các dự án để giải ngân ngay từ đầu năm, từ đó thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, tập trung nhiều dân cư nên cần khai thác cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng. Hà Nội có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác về các mặt này” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Định Trọng Thịnh cho biết.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra 3 động lực để kinh tế Thủ đô bật lên trong năm tới. Đó là, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu du lịch. “Việc giải ngân vốn đầu tư công phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và triển khai ngay từ đầu năm, thành phố không nên để đến giữa năm mới tính toán. Về tiêu dùng, thành phố có dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn nên doanh nghiệp cần hướng tới thị trường tiềm năng này, bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Còn về du lịch, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kèm theo đó là xuất khẩu tại chỗ cũng như kích thích tiêu dùng” - Tiến sĩ Lê Huy Khôi nêu quan điểm.

Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng

Hướng tới năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá, đặc biệt là phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Đồng thời, thành phố cũng đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công.

“Hà Nội hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng 7%. Để làm được điều này, thành phố cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; quan tâm đến hoạt động công nghiệp, xuất khẩu, chuyển đổi số và đẩy mạnh tiêu dùng để kích thích sản xuất”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh(Học viện Tài chính)

“Ba động lực để kinh tế Thủ đô bật lên trong năm tới, đó là giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu du lịch”.

Tiến sĩ Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương)

“Để kinh tế Hà Nội bứt phá trong năm mới, doanh nghiệp mong muốn thành phố tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách”.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực của thành phố có hạn, UBND TP đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023. Theo đó, thành phố sẽ quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, UBND TP Hà Nội. Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; Chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND TP Hà Nội để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn thành phố từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại với 10 nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Cuối cùng, thành phố sẽ tăng cường công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND TP Hà Nội với Thường trực HĐND TP, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, các Ban của HĐND TP, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức thành viên…; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, để kinh tế Hà Nội bứt phá trong năm mới, doanh nghiệp mong muốn thành phố tập trung giải quyết 6 nhóm vấn đề, trong đó tháo gỡ cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố tăng tốc các gói đầu tư công, ưu đãi dành các dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề; Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư; tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên dành nguồn chi đầu tư phát triển.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, việc thành phố cần tiếp tục chủ động tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại dưới nhiều hình thức để nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp. Đây là cách làm thiết thực, giúp công việc điều hành của thành phố bám sát thực tiễn hơn, cũng là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thủ đô.