Kinh doanh xăng dầu chưa thoát khỏi khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các đại lý xăng dầu vẫn chưa thể nhập hàng thuận lợi như trước đây làm dấy lên lo ngại nhiều cửa hàng xăng dầu sẽ lại tạm ngưng bán hàng.
Nguồn cung xăng dầu sẽ liên tiếp được bổ sung

Nguồn cung xăng dầu sẽ liên tiếp được bổ sung

Đại diện đại lý xăng dầu phía Tây Hà Nội cho biết, việc nhập hàng chỉ thuận lợi được 1 -2 ngày ngay sau kỳ điều chỉnh giá xăng hôm 11-2. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được điều chỉnh mức chiết khấu cho dương trở lại.

Tuy nhiên sau đó, việc nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối cũng nhỏ giọt và hoa hồng lại giảm về 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu.

Không chỉ tại Hà Nội, tại một số địa phương phía Nam khác, hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp cũng chưa thoát khỏi khó khăn, thậm chí có tình trạng cửa hàng xăng dầu bán “nhỏ giọt” cho khách hàng khi hạn chế số lượng mua mỗi lần của khách.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil tiếp cận nguồn nhập khẩu thuận lợi hơn để bổ sung nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất thì các doanh nghiệp đầu mối nhỏ lại gặp khó khăn. Do đó, có hiện tượng bán xăng dầu nhỏ giọt.

Tuy nhiên, các thành viên của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chiếm 85% thị phần và họ vẫn đang cung cấp xăng dầu đều đặn cho thị trường nên hiện tại, về tổng thể không thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước.

Ông Phạm Văn Thanh- Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho hay, kể từ giữa tháng 1-2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) - đối tác cung ứng xăng dầu lớn trong nước đã cắt giảm công suất hoạt động do khó khăn nội bộ, dẫn tới việc không cung cấp đủ lượng xăng dầu theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hệ quả là Petrolimex đã bị ảnh hưởng bởi tình thế “bất thường” và rất khó khăn trong việc ngay lập tức có nguồn thay thế để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước đang tăng cao theo chỉ đạo mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chính phủ.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, thế xăng dầu thế giới tăng mạnh đã tạo ra hiện tượng bán hàng cầm chừng, thậm chí dừng bán hàng/găm hàng chờ tăng giá của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Do đó, Petrolimex đã phải tăng lượng hàng bán ra để bù đắp thiếu hụt cho thị trường. Theo thống kê của Tập đoàn, sản lượng xăng dầu Petrolimex cung ứng ra thị trường bình quân trong 4 ngày trước khi liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá (từ ngày 07/02 đến 10/02/2022) đã tăng 53% so với sản lượng bán bình quân ngày của năm 2021 và 38% so với bình quân ngày tháng 12/2021 (tháng có nhu cầu cao nhất sau khi nền kinh tế của Việt Nam hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ thích ứng linh hoạt trong tình hình mới).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo cung ứng xăng dầu trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp xấu là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất. Bộ Công Thương sẽ lập các đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa phương trên cả nước; Đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm, hình thức cao nhất là rút giấy phép kinh doanh xăng dầu.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, để bổ sung cho nguồn cung xăng dầu trong nước, PVOil đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20-2-2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu;

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.