Kim tự tháp tài chính - trò cũ soạn lại

ANTD.VN - Sergei Mavrodi, người sáng lập MMM đã lừa hàng triệu người khi hứa trả lãi suất cao cho người mua mavrodiki, loại “cổ phiếu” không có bảo đảm. 

Kim tự tháp tài chính MMM được biết đến ở Nga từ lâu. Sergei Mavrodi, người sáng lập MMM đã lừa hàng triệu người khi hứa trả lãi suất cao cho người mua mavrodiki, loại “cổ phiếu” không có bảo đảm. Sau khi ra tù, siêu lừa Mavrodi lập kim tự tháp tài chính mới vào năm 2011… 

Kim tự tháp tài chính - trò cũ soạn lại ảnh 1Sergei Mavrodi từng bị kết án về tội lừa đảo

Lãi suất 360%/năm 

Để đám cưới của mình được tổ chức đàng hoàng, Anakole - một thanh niên người Nigeria đem 750.000 naira (tiền Nigeria) gửi vào “Hệ thống tài chính xã hội MMM” với hy vọng được nhận lãi suất 30% một tháng. Anakole tin chắc mình sẽ nhận được tiền vì từng tham gia và đã nhận được số tiền cả gốc lẫn lãi như cam kết của MMM. 

Tuy nhiên, ngày 13-12-2016, MMM đột ngột tuyên bố tạm dừng trả tiền một tháng và hứa sẽ tiếp tục làm việc vào tháng 1-2017. Trong thư ngỏ, Sergei Mavrodi lập tức đổ lỗi cho các blogger Nigeria và phương tiện truyền thông vì đã đăng tải nhiều bài viết vô bổ, mang tính khiêu khích. Sau khi nghe tin MMM sụp đổ, Anakole tự tử, nhưng được đưa đến bệnh viện kịp thời và đã may mắn qua khỏi.

Trên trang web của mình tại Nigeria, MMM được mô tả là một “quỹ tương trợ, mà ở đó những người bình thường có thể giúp đỡ lẫn nhau”. Chỉ cần đem tiền của mình gửi vào “quỹ”, người gửi sẽ được nhận lãi suất 30% một tháng. Nói cách khác, người gửi tiền ở Nigeria được Mavrodi hứa trả lãi suất 360% một năm. 

Theo giải thích của đại diện MMM, khi gửi tiền, người gửi đã “giúp đỡ” được người khác cùng tham gia hệ thống. Còn nếu giới thiệu thêm được người mới, người gửi đã tự đảm bảo việc thanh toán tiền lãi cho mình sau đó, có nghĩa đã “nhận được sự giúp đỡ” của người khác. Và dĩ nhiên, tất cả các trang web của MMM đều tuyên bố rằng đây không phải là kim tự tháp tài chính.

Sergei Mavrodi sinh năm 1955 tại Matxcơva, tốt nghiệp Khoa Toán ứng dụng thuộc Viện Cơ khí điện tử    Matxcơva, lập doanh nghiệp tư nhân vào năm 1981. Năm 2003, Mavrodi bị kết án tù 13 tháng về tội tổ chức làm giả hộ chiếu. Và tháng 4-2007, Mavrodi bị kết án tù 4 năm rưỡi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn. 

Sẽ được khai trương ở nhiều nước khác

Các giao dịch đầu tư và nhận tiền đều được thực hiện trực tuyến. Sau khi nạp tiền vào hệ thống, người gửi sẽ nhận được tiền mã hóa Bitcoin. Đây là thủ đoạn tinh vi của những kẻ lừa đảo: Bitcoin không bị các ngân hàng, cơ quan nhà nước kiểm soát và tự tồn tại nhờ các phần mềm phức tạp được cài đặt trong thiết bị điện tử của người sở hữu nó. 

Hiện tại, nhà đầu tư có thể mua mavro hay cũng chính là mavrodiki, loại “cổ phiếu” đã trở thành giấy lộn ở Nga vào những năm 1990. Mavro chỉ tồn tại trong tài khoản của người gửi tiền ở hệ thống kỹ thuật số của MMM. Sau khi nạp tiền vào hệ thống, nhà đầu tư sẽ nhận được những đồng Bitcoin và gần như ngay lập tức được đổi sang mavro. 

Tuy nhiên, hoạt động của Mavrodi không nhằm tạo ra một “hệ thống tương trợ” không vụ lợi. Tiền mà các nhà đầu tư nạp vào hệ thống, được giữ lại trong tài khoản của các chủ sở hữu. Khi thấy không thể kiếm chác được gì hơn và cũng không còn người muốn tham gia, chi nhánh của MMM ở đó sẽ tạm dừng. Mavro bị ngừng trao đổi và MMM hoặc biến mất hoặc được khởi động lại theo phiên bản mới.

Hiện nay, việc tuyên truyền phát triển hệ thống chủ yếu được tiến hành trên Internet. Ngoài các trang web và blog đăng tải thông báo kêu gọi người dân tham gia xây dựng kim tự tháp, còn có nhiều video và bài viết trong đó những người tham gia ca ngợi Mavrodi và cảm ơn MMM giúp họ kiếm được tiền mà không cần phải ra khỏi nhà... Vào tháng 12-2016, MMM đã đến Ghana. Kịch bản sẽ được lặp lại như ở Nigeria, Ấn Độ, Nam Phi và Zimbabwe. Và có lẽ, MMM sẽ còn được khai trương ở nhiều nước khác.