Kiến nghị tách dự án cao tốc trên cao Vành đai 4- Vùng Thủ đô thành 2 tiểu dự án

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Bộ KH-ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP (đối tác công - tư).

Phân chi vốn ngân sách và vốn PPP để quản lý

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án PPP thành phần 3 cao tốc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 55.052 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội đề xuất phân chia dự án PPP thành phần 3 thành dự án thành phần hạng mục 3.1 (vốn ngân sách) và dự án thành phần 3.2 (vốn đầu tư BOT).

Trong đó, dự án thành phần hạng mục 3.1, tổng mức đầu tư 26.596 tỷ đồng, sẽ đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn tuyến: Từ trước nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km.

Cụ thể, đoạn trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tập trung đầu tư toàn bộ cầu Hồng Hà (từ khoảng Km10+663 đến khoảng Km15+041) và đường cao tốc đoạn tuyến từ trước nút giao quốc lộ 6 (khoảng Km36+167) đến hết cầu Mễ Sở (khoảng Km59+500).

Hà Nội kiến nghị chia dự án cao tốc trên cao Vành đai 4- Vùng Thủ đô làm 2 tiểu dự án

Hà Nội kiến nghị chia dự án cao tốc trên cao Vành đai 4- Vùng Thủ đô làm 2 tiểu dự án

Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ xây dựng đường cao tốc đoạn tuyến từ cầu Mễ Sở (khoảng Km59+500) đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng Km67+500).

Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ xây dựng cầu Hoài Thượng (từ khoảng Km96+000 đến khoảng Km97+000) và đường cao tốc đoạn tuyến nối 9,7 km (bao gồm nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long và hoàn thiện nút giao Tây Nam).

Đối với dự án thành phần hạng mục 3.2, tổng mức đầu tư 28.456 tỷ đồng, Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng đường cao tốc các đoạn: Từ nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trước nút giao quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc phân chia như vậy nhằm bảo đảm phù hợp với công tác quản lý 2 nguồn vốn tại dự án PPP thành phần 3 là vốn ngân sách và vốn do nhà đầu tư huy động.

Lựa chọn nhà thầu ngay sau khi báo cáo được duyệt

Liên quan phương án tổ chức và huy động vốn cho dự án PPP thành phần 3, UBND TP Hà Nội đề xuất sử dụng 18.313 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 8.283 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần hạng mục 3.1.

Trong đó, đoạn qua địa bàn TP Hà Nội sẽ dùng vốn ngân sách TP Hà Nội và ngân sách Trung ương; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh sẽ dùng toàn bộ vốn ngân sách Trung ương.

Cũng tại Tờ trình này, Hà Nội đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương giao thành phố là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư dự án thành phần hạng mục 3.1 và giao Ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố là chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần hạng mục 3.1 trong dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án thành phần hạng mục 3.2 do nhà đầu tư thực hiện.

Đối với dự án thành phần hạng mục 3.2, để bảo đảm tính khả thi tài chính, Hà Nội đề xuất áp dụng mức lợi nhuận cho phần vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm; mức lãi suất áp dụng cho phần vốn vay tạm tính là 10,33%/năm trên cơ sở tham khảo các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.

Ngoài ra, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào cuối năm 2025, TP Hà Nội kiến nghị cho phép Hà Nội tổ chức lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu dự án thành phần 3 được phê duyệt và được phép tổ chức thu phí, quản lý, vận hành, khai thác toàn tuyến trên cả tiểu dự án đầu tư công theo Nghị quyết số 56/2022/QH15.