- Sắp hết thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 14: Đã đến lúc đặt nợ xấu về đúng chỗ
- Đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022” (sau đây gọi là Đề án)
Phấn đấu giảm số lượng các tổ chức tín dụng
Theo đó, Đề án đặt mục tiêu tổng quát là: Tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững;
Phát triển hệ thống các TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN;
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.
Ngân hàng phải đảm bảo vốn điều lệ
Về mục tiêu cụ thể, Đề án nêu rõ một số mục tiêu như sau:
Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước |
TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:
Đối với TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, Công ty tài chính (CTTC), Công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Đối với các NHTM: nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 15.000 tỷ đồng; Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng;
Đối với CTTC, vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng; Đối với CTCTTC, vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.
Đối với NHTM, CTTC, CTCTTC yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).
Phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1 - 2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế…
Khuyến khích mua bán, sáp nhập
Đề án cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, các TCTD xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các TCTD bao gồm: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...;
Khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. TCTD yếu, yếu kém áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các TCTD, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ và tài sản tồn đọng cho ngân hàng.
Với các NHTM cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, cũng được khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Các TCTD yếu, yếu kém được xem xét áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các TCTD, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…