Khủng hoảng Venezuela: Vì sao Trung Quốc bắt đầu hành động?

ANTD.VN - Tháng 4-2019, cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela vẫn diễn ra hết sức phức tạp; xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giữa một bên là Tổng thống hợp hiến N. Maduro và bên kia là Tổng thống tự phong J. Guaido. Trước bối cảnh trên, Trung Quốc thể hiện quan điểm nhất quán khi khẳng định tiếp tục ủng hộ chính quyền N. Naduro, có những hành động thiết thực, đồng thời nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay phải do chính người dân Venezuela giải quyết.

Trung Quốc thể hiện lập trường về vấn đề Venezuela

Ngày 23-1-2019, Chủ tịch Quốc hội Venezuela J. Guaido đã tuyên thệ nhậm chức "Tổng thống lâm thời". Lập tức, Mỹ, Brazil và nhiều quốc gia đồng minh khác trong nhóm Lima (gồm 13 nước Nam Mỹ và Canada) đã tuyên bố ủng hộ hành động của ông J. Guaido. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Venezuela đã cáo buộc hành động trên của Quốc hội là vi hiến. Ngay sau đó, Tổng thống N. Maduro đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và yêu cầu trục xuất các nhà ngoại giao này về nước trong vòng 72 giờ.

Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng "chỉ trích" các hoạt động "can thiệp" nội bộ trên của Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh tìm kiếm giải pháp đối thoại trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp Venezuela. Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Venezuela trong việc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vì nước này luôn đề cao nguyên tắc "không can thiệp" vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Trung Quốc phản đối sự can thiệp của "nước ngoài" vào Venezuela bằng mọi cách và hy vọng cộng đồng quốc tế có thể cùng nhau chung tay tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết sớm cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc, Nga cam kết sẽ viện trợ thuốc, nhu yếu phẩm cho Venezuela đến hết năm 2019

Theo giới quan sát quốc tế, lập trường của Trung Quốc về vấn đề Venezuela có thể được nhận thức từ những đặc điểm sau: 

Thứ nhất, Trung Quốc luôn theo sát tình hình Venezuela. Về nguyên tắc, Trung Quốc khẳng định tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Venezuela nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của "quốc gia dầu mỏ". Như Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã lập luận, tất cả các quốc gia phải nghiêm túc tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, vấn đề khủng hoảng chính trị tại Venezuela phải do chính người dân nước này giải quyết.

Thứ hai, liên quan đến sự can thiệp của Mỹ "trực tiếp hoặc gián tiếp", Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên có thể nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy sự ổn định và phát triển ở Venezuela, cải thiện phúc lợi của người dân và tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong việc điều chỉnh quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trong vấn đề Venezuela, một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ khó liên thủ cùng với Nga (nước lên án, chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã cấm vận, trừng phạt Venezuela).

Thứ ba, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, Trung Quốc hiện thực sự chỉ có vai trò "không lớn" ở Tây bán cầu nếu Washington quyết tâm hành động chống lại chính phủ Venezuela hiện tại. Xét về mục tiêu chung của Trung Quốc trong 3 thập kỷ tới, Venezuela tiếp tục là đối tác năng lượng quan trọng của Trung Quốc, tuy nhiên nước này không nằm trong nhóm "lợi ích cốt lõi" của Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc sẽ "không công khai" thách thức Mỹ và "quyền bá chủ" của mình ở Mỹ Latinh và Caribê, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Thứ tư, mặc dù chính phủ hợp hiến của Venezuela đang bị đe doạ bởi "Tổng thống tự phong" J. Guaido, người được hỗ trợ và giúp đỡ đặc biệt từ phía Mỹ và các quốc gia "chủ chốt" của EU hay thậm chí các quốc gia trong nhóm Lima, song, Tổng thống N. Maduro và đảng cầm quyền vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ những người dân trong nước và bên ngoài (Nga, Cuba, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...). Thực tế này cũng khuyến khích Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ ông Maduro và những phán quyết của ông này dựa trên luật pháp quốc tế và các quy chuẩn ngoại giao. 

Sự tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động

Ban đầu, sau ngày 23-1, lập trường của Trung Quốc đối với Venezuela thiên về "lời lẽ ngoại giao" chứ không có những hành động cụ thể, điều này sẽ dẫn đến một hình ảnh Trung Quốc tiêu cực và thực dụng khi "chỉ kiếm tiền và buôn bán" với Venezuela. Ngay cả Nga lúc đó (nước đã lên án, cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO) thảo luận về cách thức chống lại phe đối lập ở Venezuela, không hài lòng với sự "lảng tránh" của Bắc Kinh trong quan điểm đối tác chiến lược chung và hầu hết các nước đang phát triển sẽ phần nào mất niềm tin vào cam kết của Bắc Kinh đối với các vấn đề "nhạy cảm" quan trọng khác trong tương lai. Điều này dường như đã quá thường xuyên xảy ra trong môi trường chính trị quốc tế. Không có nghi ngờ gì, lập trường của Trung Quốc về vấn đề Venezuela xuất phát từ sự tính toán kỹ lưỡng về thực trạng ở Venezuela, khu vực Mỹ Latinh và vai trò của Mỹ tại Tây bán cầu. 

Tuy nhiên, sau quá trình "tọa sơn quan hổ đấu" giữa Nga - Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu có một số động thái hỗ trợ cụ thể đối với chính phủ Venezuela như viện trợ nhân đạo: y tế, nhu yếu phẩm...; gửi các chuyên gia sang giúp đỡ khi Venezuela bị cắt điện trên diện rộng do biết "chắc chắn" phe đối lập của Guaido dưới sự hậu thuẫn của Mỹ/phương Tây đang thất thế, khó có thể lật đổ được chính quyền của đương kim Tổng thống Venezuela N. Maduro lúc này.

Đối với Venezuela, từ lâu Trung Quốc đã trở thành chủ nợ và nhà đầu tư chính cho chế độ của chính quyền Tổng thống N. Maduro, thậm chí còn vượt xa Nga về đầu tư (gần 20 tỷ USD). Tuy nhiên, không giống như Mátxcơva, Bắc Kinh không chỉ dựa vào Tổng thống hiện tại mà còn "ngầm" thiết lập liên lạc với nhiều lực lượng khác nhau, bao gồm cả phe đối lập. Bởi Trung Quốc hiểu rằng, nếu chế độ của Tổng thống N. Maduro sụp đổ, thì một trong những nạn nhân chính có thể là họ - theo đó, hàng chục tỷ USD đầu tư của Trung Quốc có thể bị mất trắng. 

Tính tới thời điểm hiện tại, theo nguồn không chính thức, tổng cộng, Venezuela nhận được từ các ngân hàng Trung Quốc  khoản vay khoảng 50 tỷ USD (theo một nguồn khác là 62,2 tỷ USD) và gần 21 tỷ USD đầu tư khác, cùng với số lượng 790 dự án chung.

Theo tình hình mới nhất về Venezuela, kế hoạch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro bằng biểu tình, bạo loạn và âm mưu can thiệp bằng “viện trợ nhân đạo”, cấm vận, cắt điện... của Mỹ đã gần như thất bại.

Cảnh sát Venezuela ngăn chặn người biểu tình quá khích tại khu vực biên giới giữa Venezuela và Colombia ngày 23-2

Mặc dù, áp lực từ phe đối lập lên lãnh đạo của Venezuela sẽ tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, ông Maduro lúc này trở nên mạnh mẽ hơn khi nhận được sự hỗ trợ tích cực không chỉ của quân đội, mà của cả nhân dân Venezuela và cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Như vậy, kịch bản "cách mạng màu" tại Venezuela đã an bài...