Khủng hoảng “kép” tại BBC

ANTĐ - Hãng BBC của Anh đang đứng trước yêu cầu cải tổ để thay đổi toàn diện sau những vụ bê bối chấn động khiến tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới với 23 nghìn nhân viên này lâm vào cuộc “khủng hoảng lòng tin” chưa từng thấy sau gần một thế kỷ tồn tại.

Tổng Giám đốc George Entwistle rời nhiệm sở trong vòng vây của báo chí

Phát biểu ngày 11-11, tức chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng giám đốc BBC George Entwistle tuyên bố từ chức chỉ sau 54 ngày được bổ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn là ông Chris Patten đã yêu cầu tập đoàn truyền thông này cần cải tổ toàn diện. Ông Patten khẳng định, BBC cần phải có “một cuộc cải tổ kỹ lưỡng, triệt để, về cơ cấu cũng như cách thức điều hành”.

Yêu cầu cải tổ toàn diện BBC được đưa ra sau khi xảy ra những vụ bê bối liên quan đến tình dục. Trong đó vụ bê bối mới nhất là thông tin sai về một chính trị gia của đảng Bảo thủ cầm quyền trong chương trình Newsnight, chương trình ăn khách hàng đầu của BBC hiện nay. 

Trong chương trình Newsnight tuần trước, BBC đã phát phóng sự điều tra, trong đó cáo buộc một quan chức cấp cao đảng Bảo thủ liên tục lạm dụng tình dục một thiếu nữ tại nhà của cô gái vị thành niên này ở Xứ Wales (Anh) từ những năm 1970. Mặc dù BBC không nêu danh tính của chính trị gia nhưng tên của cựu thủ quỹ của đảng Bảo thủ Alistair McAlpine lại được công bố trên mạng xã hội và được coi là thủ phạm.

Tuy nhiên, ngay lập tức ông McAlpine đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc. Đồng thời, ông Steve Messham - người từng sống ở nhà của cô gái vị thành niên ở Bryn Estyn, đồng thời chính là người đã tố cáo quan chức đảng Bảo thủ với BBC - cũng khẳng định, ông McAlpine không phải là nhân vật mà ông tố cáo và đó là nạn nhân của sự nhầm lẫn.

Cho dù BBC đã lên tiếng cải chính và xin lỗi song không vì thế mà có thể ngăn sự bùng lên của làn sóng chỉ trích nhằm vào tập đoàn này, đặc biệt là trong bối cảnh BBC còn đang chịu những “dư chấn” tiêu cực của trận “động đất” bê bối tấn công tình dục liên quan tới ngôi sao truyền hình BBC quá cố Jimmy Saville. 

Đến nay, theo cảnh sát Anh, ông Saville bị cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng tình dục của khoảng 300 nữ nạn nhân, trong đó hàng trăm trẻ em, trong suốt 40 năm. Đây được xem là một trong những bê bối tấn công tình dục tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh.

Hai vụ bê bối chấn động nối tiếp nhau đã làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của BBC, đẩy tập đoàn vào cuộc “khủng hoảng lòng tin” trầm trọng chưa từng thấy kể từ khi thành lập năm 1922 đến nay. Đồng thời với việc tìm kiếm người lãnh đạo mới sau khi ông Entwistle xin từ chức để chịu trách nhiệm, BBC rõ ràng phải tiến hành một cuộc “cải tổ toàn diện và kỹ lưỡng” nhằm vực dậy uy tín bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Rất đáng nói là cuộc “khủng hoảng lòng tin” diễn ra trong bối cảnh BBC còn đang trong cơn khủng hoảng phát triển từ nhiều năm nay, buộc phải xem xét lại chiến lược hoạt động cũng như cắt giảm tới 7.000 nhân viên và đã lên kế hoạch cắt giảm 2.000 nhân viên nữa trong 5 năm tới. Theo chiến lược mới, BBC phải thu nhỏ cả quy mô với việc đóng cửa 2 đài phát thanh và cắt giảm khoảng 50% số trang trên website, cũng như ngân sách và biên chế.