Khủng bố kinh hoàng làm rung chuyển nước Pháp: Man rợ và hèn nhát

ANTĐ - Hơn 8 tháng sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra ở Thủ đô Paris làm 130 người thiệt mạng, nước Pháp lại một lần nữa bị rung chuyển bởi một vụ khủng bố khác có con số thương vong và độ dã man không kém. Lần này, khủng bố đã gieo rắc sự chết chóc tại thành phố biển Nice xinh đẹp ở miền Nam nước Pháp. 

Hiện trường vụ tấn công đẫm máu ở Nice

Ít nhất 84 người đã thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương, trong đó có khoảng 50 người đang phải đấu tranh giành giật sự sống với tử thần, khi một chiếc xe tải chạy với tốc độ cao lao vào đám đông vừa xem xong màn pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh Pháp 14-7 ở trung tâm thành phố Nice. Chiếc xe đã lao lên vỉa hè suốt gần 2km và đâm vào những người dân. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố đây là vụ tấn công khủng bố mới nhất ở đất nước vẫn còn đang nhức nhối sau các vụ tấn công khủng bố của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi năm ngoái.

Lực lượng điều tra chống khủng bố cho biết kẻ lái chiếc xe tải gây ra tội ác là một người Pháp (31 tuổi), sinh ra tại Tunisia. Các nguồn tin cho biết thêm, đối tượng này không nằm trong danh sách theo dõi của các cơ quan tình báo Pháp, song cảnh sát biết rõ đối tượng này dính líu tới các tội trộm cắp và bạo lực. Trong khi đó, một quan chức chính quyền địa phương xác nhận, tên này đã nổ súng và bị cảnh sát tiêu diệt ngay khi xảy ra đấu súng”. Quan chức này cho biết vũ khí và lựu đạn đã được tìm thấy trong chiếc xe tải 25 tấn này.

Vụ tấn công cho tới giờ mới tạm xác định là do một hung thủ thực hiện. Chưa rõ ai là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công, song Pháp thời gian qua đã chứng kiến một loạt các vụ tấn công do các nhóm thánh chiến tiến hành. Kể từ sau các vụ tấn công của IS hồi năm ngoái, nước Pháp luôn được lực lượng quân đội và cảnh sát vũ trang bảo vệ trong các sự kiện lớn, song dường như phải mất vài phút họ mới ngăn chặn được chiếc xe giết người này khi nó lao lên vỉa hè và khu vực dành cho người đi bộ. 

Chỉ mới vài giờ trước vụ tấn công, Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài trả lời phỏng vấn nhân ngày Quốc khánh Pháp đã nói rằng tình trạng khẩn cấp, ban hành sau vụ thảm sát đẫm máu làm 130 người chết hồi tháng 11-2015, có thể sẽ chấm dứt trong vòng 2 tuần tới.

Và ngày 10-7 vừa qua, nước Pháp đã thở phào nhẹ nhõm khi giải bóng đá Euro 2016 kéo dài một tháng đã kết thúc mà không xảy ra vụ tấn công nào. Tuy nhiên, ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Hollande đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp kéo dài 8 tháng qua sẽ kéo dài thêm 3 tháng nữa và sẽ tăng cường các hành động của chính quyền chống lại những kẻ thánh chiến ở Syria và Iraq.

Ông Hollande cũng cho biết vừa kêu gọi huy động quân dự bị để tăng cường cho lực lượng cảnh sát sau vụ tấn công trên. Lực lượng dự bị bao gồm các cựu binh sĩ và công dân Pháp có hoặc không có kinh nghiệm quân sự. Những người này sẽ được triển khai nhằm tăng cường kiểm soát biên giới.  

Vụ tấn công đã gây ra những phản ứng kinh hoàng trên khắp thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố: “Đây là vụ tấn công khủng bố kinh hoàng” dù chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm. Ông nói nước Mỹ sẽ hỗ trợ bất cứ gì nước Pháp cần để điều tra và đưa những kẻ tấn công ra trước công lý. Ứng cử viên Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cũng phát biểu trên Kênh Truyền hình 

Fox News rằng nếu được bầu làm Tổng thống, ông sẽ yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Ông Donald Trump nhấn mạnh: “Đây là cuộc chiến. Chúng ta đang chống lại những kẻ không mặc quân phục”. Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hilary Clinton nhấn mạnh: “Mỹ cần củng cố quan hệ đồng minh với các đối tác châu Âu và thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. Bà Hilary cũng kêu gọi tăng cường công tác tình báo để cải thiện việc trao đổi thông tin.

Trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Á - Âu (ASEM) ngày 15-7 tại Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, lãnh đạo các nước và tổ chức tham dự hội nghị đã đồng loạt lên án vụ tấn công, đồng thời dành một phút mặc niệm các nạn nhân xấu số. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nói: “Ngày hôm nay, tất cả chúng ta, châu Âu và châu Á, cùng sát cánh bên người dân và Chính phủ Pháp. Chúng ta lên án thảm kịch này và sẽ không ngừng đấu tranh chống các hoạt động thù địch và cực đoan”. Ông Donald Tusk nhấn mạnh, 14-7 là ngày đau buồn không chỉ của riêng nước Pháp mà toàn châu Âu. 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng bày tỏ sự chia buồn với nhân dân Pháp, đồng thời nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố không có biên giới, là thách thức chung của cả châu Âu lẫn châu Á, bởi vậy cộng đồng quốc tế cần chung tay chống lại mối đe dọa này. Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cho rằng hoạt động khủng bố nhằm vào người dân vô tội là không thể tha thứ. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với gia đình các nạn nhân trong vụ tấn công, đồng thời khẳng định Bắc Kinh phản đối mọi hành động khủng bố. 

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua một tuyên bố do Pháp soạn thảo, theo đó lên án bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất vụ tấn công nêu trên, coi đây là hành động man rợ và hèn nhát, đồng thời bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tái khẳng định rằng khủng bố là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới, mọi hành động khủng bố đều không thể biện minh.