Không thể xem nhẹ hiểm họa khủng bố

ANTD.VN - Cho dù các tổ chức khủng bố khét tiếng như Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang suy yếu, song không thể vì thế mà thế giới có thể xem nhẹ hiểm họa khủng bố.

Không thể xem nhẹ hiểm họa khủng bố ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 7 đã cảnh báo rằng hiểm họa khủng bố vẫn là thách thức an ninh nghiêm trọng với thế giới

Một hội nghị quốc tế quy mô lớn về an ninh - Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 7, đang diễn ra ở Thủ đô Matxcơva của Nga với sự tham dự hơn 850 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 Bộ trưởng Quốc phòng, 15 Tổng tham mưu trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng như nhiều chuyên gia về an ninh và chống khủng bố quốc tế. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự hội nghị bắt đầu từ ngày 4-4 này.

Trong 3 ngày, giới chức quân sự, an ninh hàng đầu cùng các chuyên gia từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thảo luận về nhiều chủ đề liên quan tới thực trạng cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, những thách thức an ninh đặt ra cũng như công cuộc tái thiết các “điểm nóng” khủng bố ở Trung Đông… Đặc biệt, những đại biểu tham dự hội nghị đã rất quan tâm tới nguy cơ khủng bố tiềm ẩn ở Trung Đông sau khi IS bị đánh bại tại Syria và Iraq và mối đe dọa khủng bố từ không gian mạng.

Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 7 diễn ra khi mà lực lượng khủng bố IS đã bị tiêu hao, suy yếu rất nhiều sau 3 năm chiến tranh ác liệt tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, dù IS đang suy yếu, cũng như trước đó là mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, song thế giới không thể không cảnh giác, nhất là xem thường hiểm họa khủng bố.

Tại Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 7, Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov nhấn mạnh, IS đang suy yếu nhưng không thể vì thế mà đánh giá thấp mối nguy hiểm của IS. Người đứng đầu FSB dẫn chứng, một nửa trong số hơn 1.600 vụ tấn công khủng bố trên thế giới mỗi năm đều có liên quan đến IS và các vụ tấn công đã làm hơn 150.000 người thương vong kể từ khi tổ chức khủng bố này ra đời.

Điều khiến thế giới không thể không lo ngại khi Giám đốc FSB cảnh báo, 2 tổ chức khủng bố quốc tế IS và Al Qaeda có thể sẽ sáp nhập thành một mạng lưới mới và nếu như vậy, các nhóm khủng bố này có thể tiếp cận với công nghệ vũ khí hóa học. Theo ông Bortnikov, một mạng lưới khủng bố hợp nhất như vậy sẽ có các chi nhánh đang hoạt động và đang ẩn mình tại nhiều nước trên thế giới với “rất nhiều kinh nghiệm tiến hành các hành động quân sự và phá hoại trong mọi điều kiện khác nhau”, được trang bị các công nghệ và hạ tầng “có thể sản xuất vũ khí hóa học thực sự”. 

Cùng với đó, một hiểm họa mới cũng được nhấn mạnh tới là hiện nay các lực lượng, tổ chức khủng bố quốc tế đều đã biết cách lợi dụng các công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại. Theo người đứng đầu FSB, hiện có hơn 10 trang web của các nhóm khủng bố và hàng trăm nghìn tài khoản của chúng trên các mạng xã hội để tuyển mộ và tuyên truyền về các cuộc tấn công khủng bố. Các tổ chức khủng bố còn sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc qua internet mã hóa, ngân hàng điện tử, tiền ảo (cryptocurrency) để điều khiển các hoạt động khủng bố từ xa cũng như cung cấp tài chính cho các hoạt động tội ác này.

Trước mối đe dọa không hề giảm đi từ chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp gửi Hội nghị đã cho rằng, khủng bố đang thay đổi, vì thế cộng đồng quốc tế cần cùng nhau tìm ra những hình thức hợp tác đa phương mới để củng cố các kết quả đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn sự lan tràn của khủng bố. Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov nhấn mạnh, cần cảnh giác trước âm mưu của các tổ chức khủng bố nhằm có được vũ khí hủy diệt, đồng thời cần chống khủng bố trên không gian mạng.