Không được nhà mạng giảm phí tin nhắn, ngân hàng bức xúc đòi làm rõ căn cứ tính phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa lần thứ tư có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp.

Ba lần kiến nghị, nhà mạng vẫn “ngó lơ”

Theo VNBA, trên tinh thần các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chia sẻ khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã có nhiều chính sách giảm cước phí viễn thông cho khách hàng.

Tuy nhiên, đến nay các TCTD là đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông vẫn không được xem xét giảm phí sử dụng, mặc dù cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, các ngân hàng còn phải chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình như giảm các loại phí, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ....

Về vấn đề này, từ đầu năm 2020, VNBA đã có 3 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các TCTD thông qua việc giảm phí cước viễn thông; song đến nay các TCTD vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông về giá cước tin nhắn.

Giao dịch ngân hàng điện tử tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19

Giao dịch ngân hàng điện tử tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19

VNBA cho biết, hiện tại các TCTD đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm). Các thông tin sử dụng khác còn có thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, thông tin lịch trả tiền vay/sao kê, thông tin gửi mã OTP cho các giao dịch tài chính khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking… phát sinh ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch.

Đặc biệt kể từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các TCTD liên tục tăng cao và lượng tin nhắn tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng. Trong khi đó, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Phí cao nhưng bảo mật kém?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, công văn của VNBA lần này ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các TCTD, VNBA còn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông làm việc với các TCTD thông qua VNBA để giải thích rõ việc tính cước phí tin nhắn đối với khách hàng cá nhân và tổ chức.

Đồng thời, cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các TCTD và các cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các TCTD qua nhà mạng.

“Hiện nay, các TCTD đang phản ảnh rất nhiều về việc các nhà mạng thu phí cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng với các mức khác nhau mà không giải thích rõ việc tính cước phí như thế nào, chỉ nêu lý do vì dịch vụ ngân hàng mang tính bảo mật.

Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều tình trạng lừa đảo qua tin nhắn gửi từ nhà mạng song nhà mạng không chịu trách nhiệm, không giải thích rõ tại sao có thể lợi dụng để lừa đảo? Điều này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các TCTD. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên bị làm phương hại nên cần phải làm cho rõ. Trước mắt, chúng tôi gửi văn bản tới cơ quan quản lý sau đó sẽ gửi các cơ quan chức năng để xem xét một cách khách quan” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Mặt khác, ông Hùng cũng bức xúc cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra tới 4 đợt, các TCTD đã phải giảm chi phí, lương, thưởng, lợi nhuận để thực hiện giảm lãi vay, giảm các loại phí... nhằm hỗ trợ khách hàng, trong khi đó, các nhà mạng vẫn “bình chân như vại” không quan tâm tới đề nghị của các TCTD.

Theo lãnh đạo VNBA, cước tin nhắn hiện nay các TCTD phải thanh toán cho nhà mạng là rất lớn. Tính sơ bộ, một TCTD cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các TCTD tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.

Hiện tại, số lượng các TCTD đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngoài cũng có đến cả trăm TCTD. Như vậy, số lượng tin nhắn hàng tháng từ các TCTD là rất lớn.

Mức giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng là: đối với doanh nghiệp, nhà mạng MobiFone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn; đối với cá nhân, Viettel thu 100 - 300 đồng/tin nhắn, Vinaphone thu 99 - 350 đồng/tin nhắn, Mobifone thu 200-350 đồng/tin nhắn.

“Như vậy, với số lượng TCTD, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên, thì chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là quá lớn... Khi xã hội đang dần số hóa, từ Chính phủ điện tử, ngân hàng số... liệu nhà mạng có được hưởng lợi từ chính sách này hay không? Vậy cần phải làm rõ cách tính phí của các nhà mạng so với chi phí họ đã bỏ ra” – lãnh đạo VNBA nói.