Không để khan hàng, “sốt giá” dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, chủ động nguồn hàng, tránh tình trạng khan hàng, “sốt giá”.
Chuẩn bị sẵn nguồn hàng Tết để tránh khan hàng, "sốt" giá

Chuẩn bị sẵn nguồn hàng Tết để tránh khan hàng, "sốt" giá

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 419/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp;

Thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm;

Đồng thời, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp…

Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, mặc dù 9 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, giá cả được kiểm soát nhưng những tháng còn lại của năm 2023, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Đáng chú ý, các mặt hàng tác động nhiều đến giá cả thị trường chung vẫn đang diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể biến động đảo chiều tăng giá vào cuối năm. Giá lương thực dự báo có thể vẫn biến động ở mức có lợi cho người sản xuất. Giá cả các mặt hàng thiết yếu thường có biến động vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thường tăng theo quy luật… nên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được World Bank công bố hôm qua (17-10), World Bank đánh giá, lạm phát toàn phần của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% trong tháng 9 (tức tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8).

Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở; ngoài ra còn có thêm áp lực từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% trong tháng 9. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, bình quân 9 tháng vẫn ở mức cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung.

"Xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ"- World Bank khuyến cáo.